Không nên hành chính hóa hoạt động hòa giải

Chính trị - Ngày đăng : 10:16, 31/05/2013

(HNMO) – Thảo luận tại hội trường về dự án Luật hòa giải cơ sở sáng 31/5, các đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên hành chính hóa mà cần mạnh dạn xã hội hóa hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Theo các đại biểu Quốc hội, hoạt động hòa giải ở cơ sở những năm qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Các đại biểu cơ bản tán thành và đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật hòa giải ở cơ sở của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về phạm vi điều chỉnh, hầu kết các ý kiến tán thành với việc quy định như dự thảo Luật, không nên điều chỉnh các hình thức hòa giải thích hợp khác của nhân dân nhưng cũng không hạn chế việc khuyến khích áp dụng các hình thức hòa giải đa dạng khác trên thực tế. Đồng thời, thống nhất cao việc nhấn mạnh quan điểm không hành chính hóa hoạt động hòa giải ở cơ sở, khuyến khích xã hội hóa hoạt động này.

Về phạm vi hòa giải ở cơ sở, các đại biểu tán thành với quy định theo phương pháp loại trừ nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như thuận lợi cho quá trình áp dụng luật trên thưc tế. Theo đó, tất cả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ở cơ sở đều có thể được hòa giải, loại trừ tội phạm hình sự; hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính; quan hệ hôn nhân trái pháp luật và các giao dịch dân sự xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

“Thực tế các vụ việc hòa giải ở cơ sở rất đa dạng, nếu không quy định theo hướng loại trừ thì sẽ dễ bị sót, lọt và hoạt động hòa giải có thể bị lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm hình sự hoặc hành chính”, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm – Yên Bái nói.



Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn khá băn khoăn việc quy định như dự thảo liệu có bao quát hết được các trường hợp cụ thể xảy ra trong thực tiễn hay không?

Về tiêu chuẩn hòa giải viên, đa số ý kiến tán thành như dự thảo Luật là ngoài đạo đức, uy tín, khả năng thuyết phục, hòa giải viên cần có hiểu biết pháp luật nhất định để có thể giải thích, thuyết phục các bên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Một số đại biểu đề nghị, tiêu chuẩn “hiểu biết pháp luật” nên được ưu tiên hơn.

Các đại biểu cũng bày tỏ sự tán thành cao với hình thức bầu và công nhận hòa giải viên nhưng nhấn mạnh, quy định trong dự luật còn quá sơ sài, cần phải bổ sung quy định về tỷ lệ hộ gia đình tham gia bầu hòa giải viên để đảm bảo người hòa giải viên là người thực sự được đa số nhân dân lựa chọn. Việc quy định tỷ lệ này có thể theo số lượng hộ gia đình hoặc theo tỷ lệ phần trăm số hộ gia đình ở cơ sở.

“Chúng ta phải quy định thêm các điều kiện này để đảm bảo sự đồng thuận cao”, đại biểu Nguyễn Thành Tâm – Tây Ninh nói.

“Nếu được người dân bầu chọn, thừa nhận thì tư chất, uy tín của người hòa giải viên cũng sẽ được nâng lên và đảm bảo khách quan, không hành chính hóa hoạt động hòa giải”, đại biểu Đỗ Ngọc Niên – Bình Thuận bổ sung.

Dự án Luật hòa giải viên sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 20/6 tới.

Vân An