Thí sinh dân tộc Kinh chiếm ưu thế
Văn hóa - Ngày đăng : 08:32, 31/05/2013
* Nhiều thí sinh có chiều cao trên 1,7m
Sau phần kiểm tra Nhân trắc học và phần thi ứng xử chiều 29/5, tối 30/5, các thí sinh đã trải qua 2 phần thi quan trọng là phần thi áo tắm và phần thi trang phục truyền thống dân tộc. Cuối cùng, BGK đã chọn ra được 39 thí sinh để tham gia vào vòng chung kết cuộc thi, cùng với 1 thí sinh là “Người đẹp xứ Dừa” Phạm Thị Phương Thảo, được đặc cách vào vòng chung kết. Như vậy, khu vực phía Nam sẽ có 40 thí sinh lọt vào vòng chung kết.
Các thí sinh thi trang phục áo tắm |
Phần thi trang phục áo tắm là phần thi thể hiện cá tính mạnh mẽ và “khoe” được vẻ đẹp hình thể của các thí sinh. Hầu hết các thí sinh có chiều cao khá lý tưởng: Từ 1,7m trở lên (khoảng gần 30 thí sinh), có những thí sinh đạt chiều cao tới 1,74-1,75m, với thể hình khá cân đối, nên phần thi áo tắm thật sự đã là phần thi sôi động. Những thiếu nữ dân tộc đã mang sắc xanh của thành phố biển Vũng Tàu lên sân khấu trong những bộ áo tắm màu xanh rất tươi sáng.
Dù có thời gian tập luyện không dài, nhưng các thí sinh đã khá thuần thục trong những bước nhún nhảy cũng như những bước sải trên sân khấu. Ngay cả với những thí sinh dân tộc như Ka Brối (SBD 03)- dân tộc K’ Ho, thí sinh Đinh Thị Thuỳ Trang (SBD 47)- dân tộc H’Re, thí sinh Nguyễn Thị Nhung (SBD 30)- dân tộc Thổ; vốn không phải là những người đẹp quen với “guốc cao” và “sàn diễn” nhưng cũng đã rất tự tin trong phần trình diễn của mình.
* Trang phục áo dài tỏa sáng
Phần thi trình diễn trang phục dân tộc luôn đựơc chờ đợi tại cuộc sắc đẹp. Với con số hơn 40 thí sinh là dân tộc Kinh, nên trang phục áo dài thực sự đã “toả sáng” trong phần thi trình diễn trang phục dân tộc. Các thí sinh cũng đã trình diễn những bộ áo dài được thiết kế công phu với nhiều màu sắc, kiểu dáng. Các thí sinh dân tôc Kinh cũng tỏ ra có kinh nghiệm sân khấu hơn những thí sinh dân tộc thiểu số ít người. Tuy nhiên, sự tự nhiên có phần chất phác của những thí sinh đến từ các dân tộc khác lại mang đến những vẻ đẹp hồn hậu, đáng yêu, đặc trưng rất riêng của cuộc thi Hoa hậu Dân tộc.
Các thí sinh dân tộc Kinh chiếm ưu thế nhưng những cô gái đến từ dân tộc thiểu số vẫn có sự duyên dáng và hấp dẫn riêng |
Rất nhiều thí sinh đã chọn áo dài với hoạ tiết hoa sen - loài hoa được coi như quốc hoa của Việt Nam, để trình diễn trong vòng bán kết. Cũng rất nhiều thí sinh đã chọn những đoá sen của mùa hè làm đạo cụ cho phần trình diễn của mình. Thí sinh Hồ Hoàng Trâm Anh (SBD 01) chọn cho mình chiếc áo dài màu trắng với tà phía sau màu đỏ tha thướt, duyên dáng như một cánh bướm trên sân khấu. Thí sinh Đoàn Phạm Diệu Châu (SBD 05) đến từ Quảng Nam, người đã giành giải “Người mặc áo dài đẹp nhất” tại cuộc thi “Người đẹp Hội An”, lại mang tới chiếc áo dài với hình ảnh những mái ngói cổ kính và thanh bình của phố cổ Hội An.
Với cô gái có chiều cao 1,71m Nguyễn Thị Út Chín (SBD 06), đến từ Quảng Bình, thì đoá sen hồng lại là điểm nhấn cho bộ áo dài đỏ của cô. Thí sinh số 07, Lê Thị Diễm (Cà Mau) lại chọn chiếc áo dài trắng với hai cánh tay cách điệu thành 2 tấm lụa với tên nước Việt Nam được viết theo lối thi pháp, cùng với hoạ tiết chim lạc màu vàng nổi bật trên 2 tà áo. Thí sinh Võ Thị Thuỳ Dung (SBD 09) đến từ Khánh Hoà lại chinh phục khán giả bằng chiếc áo dài với hoạ tiết cầu kỳ, sang trọng, cách điệu hình đuôi công. Thí sinh Đặng Thị Hà (Quảng Nam) lại khoe chiều cao 1,72m của mình trong chiếc áo dài pha hai màu vàng đỏ tươi sáng và lộng lẫy…
Các thí sinh vào vòng chung kết |
Với các thí sinh dân tộc, thì trang phục dân tộc của mỗi thí sinh cũng chính là một nét đẹp của bản sắc văn hoá dân tộc được mang tới cuộc thi. Thí sinh Ka Brối (SBD 03), dân tộc K’Ho, đến từ Lâm Đồng, hiện là sinh viên Báo chí truyền thông, đã mang tới cuộc thi trang phục K'Ho với những hoa văn thổ cẩm mang sắc màu của núi rừng Tây Nguyên. Thí sinh H’Ăng Niê, dân tộc Ê đê, người đã từng đoạt giải “Người có thể hình đẹp nhất” trong cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013, toả sáng trong bộ trang phục Ê đê với những hoa văn thổ cẩm tuyệt đẹp, khoẻ khoắn, thể hiện được sự mạnh mẽ, cứng cỏi của người con gái Ê đê sinh ra và lớn lên trong tiếng trầm hùng của núi rừng, cũng như trong một dân tộc theo mẫu hệ - người con gái mới là chủ gia đình, mới có quyền thừa kế tài sản cũng như thờ cúng tổ tiên. Với thí sinh số 30 Nguyễn Thị Nhung, dân tộc Thổ, đến từ Nghệ An, thì bộ trang phục Thổ thật sự là một bất ngờ thú vị với khán giả, bởi có lẽ đây là lần đầu tiên thí sinh dân tộc Thổ xuất hiện trong cuộc thi.
Sau 3 ngày thi bán kết phía Nam, cuối cùng BTC đã chọn ra được 39 thí sinh tham gia vòng chung kết, cùng với 1 thí sinh được vào thẳng. Như vậy, tính tổng số thí sinh hai miền Nam – Bắc vào vòng chung kết toàn quốc cuộc thi là 71 thí sinh. Vòng chung kết sẽ diễn ra từ ngày 10-27/6 tại Sunrise Hội An Beach Resort, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là một trong những hoạt động chính nằm trong khuôn khổ Festival di sản Quảng Nam.
* Một số hình ảnh các thí sinh trong trang phục áo tắm, dân tộc tại bán kết phía Nam Hoa hậu Dân tộc 2013 diễn ra tối 30-5.