Cuộc thoái lui khôn ngoan

Thế giới - Ngày đăng : 07:30, 31/05/2013

(HNM) - Ngày 25-5, Pháp đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của kế hoạch rút quân khỏi Mali. Theo đó, binh sĩ Pháp sẽ dần bàn giao lại công tác bảo đảm an ninh cho quân đội Mali và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) trước cuộc bầu cử toàn quốc ở quốc gia Tây Phi này diễn ra vào tháng 7 tới.

Phái bộ của Liên hợp quốc tại Mali đã sẵn sàng hỗ trợ quốc gia này ổn định tình hình.



Có thể nói - từ thời điểm ngày 11-1-2013, khi Paris phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali với tên gọi "Mèo sa mạc" - Pháp mong muốn tạo ra một cuộc can thiệp chớp nhoáng thì nay, hơn 4 tháng đã qua, những dự định ban đầu đã không trọn vẹn như kế hoạch. Một số lượng đáng kể lực lượng Hồi giáo vũ trang tại Mali vẫn kháng cự tại thành phố Timbuktu và thành phố Gao, thành trì của Phong trào độc tôn và thánh chiến Tây Phi (MUJAO). Dẫu vậy, cố gắng "đối ngoại" cứng của Tổng thống Pháp Francois Hollande đã và đang được dư luận khu vực đánh giá cao.

Thực tế, những gì Paris làm lúc đó là hết sức cần thiết. Vào thời điểm bước sang năm 2012, tình hình an ninh tại Mali xấu đi nhanh chóng. Xung đột nổ ra sau khi Đô đốc Amadou Sanogo dẫn đầu một nhóm sĩ quan quân đội lật đổ Tổng thống Amadou Toumani Toure (ngày 22-3-2012). Cuộc binh biến đã mở đường cho các tay súng Hồi giáo cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda và lực lượng người Tuareg chiếm giữ các tỉnh phía bắc. Lo ngại xung đột tại Mali có thể châm ngòi cho làn sóng bạo loạn mới trong khu vực, Chính phủ Pháp đã cấp tốc điều động binh sĩ đến Mali giúp chặn đứng các làn sóng "Nam tiến" của quân nổi dậy. Hành động của Paris khi đó được giới phân tích lý giải rằng, Pháp có những lợi ích quan trọng tại khu vực và có cộng đồng người Pháp đông đảo đang sinh sống... Nhưng, rõ ràng, lúc đó, sự can thiệp quân sự quyết đoán của Pháp đã nhận được sự đồng tình của dư luận thế giới.

Được sự hỗ trợ của quân đội Pháp, các chiến dịch truy quét của binh sĩ Mali đã đạt được nhiều thành quả, giao tranh chỉ xảy ra tại một số địa phương ở đông bắc Mali và nay mối lo ngại về một Mali bất ổn đã giảm. Trong khi đó, các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trợ giúp cho quốc gia Tây Phi này cũng đã và đang được đẩy mạnh. Trong tháng 5 này, tại Hội nghị quốc tế các nhà tài trợ cho Mali (ở Brussels, Bỉ), các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết gói tài chính trị giá khoảng 3,25 tỷ euro (gần 4,2 tỷ USD) để tái thiết đất nước Mali gồm việc xây dựng lại các cơ quan chính phủ, sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại, tổ chức cuộc bầu cử tổng thống, tổ chức đối thoại với các nhóm nổi dậy và kích thích nền kinh tế. Số tiền huy động vượt xa mong đợi của các nhà tổ chức (khoảng 1,9 tỷ euro) và Chính phủ Mali (khoảng 2 tỷ euro), khoảng 45% nhu cầu cần có theo Kế hoạch tái khởi động lâu dài Mali (PRED) trong năm 2013 và 2014. Đây là một minh chứng rõ về sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế với Mali.

Trong khi đó, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cũng đã yêu cầu được nắm quyền chỉ huy Phái bộ bình ổn của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA), dự kiến sẽ triển khai tại nước này từ tháng 7 tới. Theo ECOWAS, quân đội các nước trong vùng đã hoàn thành sứ mệnh giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng vùng và cũng sẽ thành công với sứ mệnh MINUSMA. Còn với Chính phủ Mali hiện nay, theo Tổng thống lâm thời Mali Dioncounda Traoré, cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào ngày 28-7 với cam kết, chính phủ đương nhiệm sẽ nỗ lực hết sức để bảo đảm cuộc bầu cử được tổ chức thành công.

Trong bối cảnh chung như vậy, dư luận cho rằng, việc Paris chọn giải pháp thoái lui chiến dịch "Mèo sa mạc" là một sự lựa chọn khôn ngoan và được cho là "đủ độ chín" khi Paris không lún sâu vào cuộc chiến mà vẫn tạo được ảnh hưởng với những lợi ích cụ thể từ các nguồn tài nguyên còn nhiều tiềm năng ở quốc gia từng là thuộc địa của Pháp.

Trung Hiếu