Bài 5: Chuyện về những người con Hà Nội

Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 31/05/2013

(HNM) -

Bao thế hệ con em Hà Nội đã tiếp bước cha anh, lên đường đến với Trường Sa. 101 chiến sỹ và hàng chục công nhân quốc phòng người Hà Nội hiện đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa hôm nay đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện để lan tỏa nét đẹp của người Tràng An ngay tại đất nước nơi đầu sóng.

Chiến sỹ Cao Văn Đồng trả lời phỏng vấn báo chí.


Trong số 64 liệt sỹ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988, có một liệt sỹ người Hà Nội. Đó cũng là liệt sỹ người Hà Nội duy nhất nằm lại Trường Sa - anh tên là Kiều Văn Lập, quê ở huyện Phúc Thọ. Vốn ham học, có lý tưởng tiếp bước cha anh, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nên khi đang học Đại học Hàng hải dù được cử sang Ba Lan học chuyên ngành đóng tàu, nhưng Kiều Văn Lập nhường suất đi học cho bạn, tình nguyện viết thư xin vào quân đội. Sau 10 năm trong quân ngũ, anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tại đảo Gạc Ma. Từ đó đến nay đã 25 năm trôi qua, nhưng tấm gương sáng về cốt cách, tinh thần, lối sống đẹp của anh vẫn tỏa sáng và trở thành ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ sau. Noi gương anh, hàng trăm thanh niên Hà Nội đã hăng hái lên đường ra Trường Sa. Hiện nay, Trường Sa đang có 101 người con Hà Nội làm nhiệm vụ tại các điểm đảo, nhà giàn và hàng chục người con Hà Nội là công nhân quốc phòng đang ngày đêm lao động trên các công trường xây dựng, kiến thiết Trường Sa. Họ đã và đang cùng những người con của mọi miền đất nước khắc phục mọi khó khăn, một lòng quyết tâm giữ biển trời Tổ quốc.

Tại đảo Đá Lớn A, chúng tôi đã trò chuyện với em Cao Văn Đồng, quê ở huyện Chương Mỹ. Tuy mới 20 tuổi, nhận nhiệm vụ tại đảo gần một năm, với vai trò khẩu đội trưởng đội pháo 862, nhưng Đồng khá rắn rỏi. Em tự tin kể về cuộc sống của người chiến sỹ trên đảo với niềm vinh dự, tự hào. Là con thứ tư trong gia đình có năm anh chị em, một mình đi theo đường binh nghiệp của bố, Đồng bày tỏ, muốn làm việc hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh, quyết không lùi bước trước mọi khó khăn, gian nguy...

Chính trị viên Nguyễn Văn Hợi, 31 tuổi, nhà ở quận Hoàng Mai tâm sự, anh lên đường nhận nhiệm vụ công tác tại huyện đảo từ cuối năm 2000 khi vừa cưới vợ được 15 ngày. Đi miết một mạch gần 30 tháng liền, thay đổi vị trí công việc qua các đảo Nam Yết, Song Tử, rồi giờ là Đá Lớn. Thời gian đằng đẵng xa xôi, anh cũng đau đáu nỗi nhớ vợ, nhớ nhà, nhưng bản lĩnh người cán bộ được rèn luyện trong môi trường đặc biệt đã giúp anh bền chí, bền lòng.

Đang còn ấn tượng về Cao Văn Đồng và Nguyễn Văn Hợi, thì chúng tôi lại được tiếp cận một tấm gương khác, đó là Thái Văn Cường, 38 tuổi, một trong 10 người quê ở Hà Nội đang làm nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca. Có thâm niên ba năm công tác trên đảo Trường Sa Lớn và Sơn Ca, xa vợ và hai con nhỏ thời gian khá lâu, song Cường không bao giờ bộc lộ cảm xúc, chỉ vì "sợ mình buồn, anh em lại nhớ nhà hơn". Vậy nên Cường nén chặt mọi nỗi niềm trong lòng. Giờ huấn luyện, công tác, sinh hoạt tập thể, anh luôn thể hiện là một người bản lĩnh, trau chuốt từng lời ăn, tiếng nói để giữ cốt cách của người Hà Nội. Chỉ khi đêm về, còn lại một mình trong căn phòng nhỏ, anh em đã ngủ, anh mới dùng điện thoại nhắn tin, gọi điện hỏi thăm vợ, con, gia đình... Có lần, nghe vợ thông tin con ốm phải đưa vào viện, cả đêm anh trằn trọc không ngủ. Sáng dậy, bắt đầu ngày mới, anh em ở đảo chỉ thấy một Thái Văn Cường đầy bản lĩnh, sôi nổi, nhiệt tình và vui tính... duy chỉ có đôi mắt thâm quầng, trũng sâu vì mất ngủ là khác mọi ngày...

Tiếp chúng tôi tại căn phòng nhỏ là nơi ở của mình và đồng đội, chiến sỹ trẻ Trần Trung Hiến, cũng ở đảo Sơn Ca (quê ở Hòa Phú, Ứng Hòa) cởi mở chia sẻ hoàn cảnh gia đình. Nhà có ba anh chị em, bố mẹ làm ruộng, kinh tế không phải là khá giả vậy nhưng Hiến bật mí, nếu được ở lại quân ngũ, Hiến sẵn sàng tiếp tục làm nhiệm vụ trên huyện đảo. Cũng ở đảo Sơn Ca, Chính trị viên Đỗ Việt Hòa, quê ở Hạ Bằng, Thạch Thất cho biết, anh luôn gặp riêng và động viên từng người giữ gìn trong lời ăn, tiếng nói, cách cư xử cũng như phấn đấu nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, xứng danh là những người con của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Cũng với cương vị chính trị viên đang làm nhiệm vụ ở đảo Phan Vinh, anh Nguyễn Văn Tạo, quê ở Phú Châu, Ba Vì cùng 5 đồng hương Hà Nội trên đảo luôn nêu cao tinh thần đùm bọc, giúp đỡ nhau, đi đầu trong việc thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như tiết kiệm điện, nước, hăng hái thi đua trong huấn luyện, tăng gia lao động sản xuất…

Mỗi người mỗi vẻ, những cán bộ chiến sỹ người Hà Nội đang công tác tại huyện đảo Trường Sa đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc. Tại đảo Đá Tây B có chiến sỹ trẻ mang cái tên như con gái Nguyễn Thuỳ Dương, quê ở Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội. 10 tháng làm nhiệm vụ trên đảo, Dương luôn coi mình là em út, cư xử với mọi người như ruột thịt trong nhà, những đồng đội trên đảo khi ốm đau, trái gió trở trời đều được Dương tận tình chăm sóc… Chúng tôi hỏi về những chuyện đó, Dương chỉ bẽn lẽn cười trừ rồi nói: "Không riêng em, ở đây ai cũng vậy. Đó cũng là truyền thống, là sức mạnh của người Việt Nam trong bảo vệ và dựng xây đất nước". Với chúng tôi, câu nói đó thật ý nghĩa và xúc động biết bao khi được chứng kiến và có mặt ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc, giữa mênh mông sóng nước trùng khơi.

Linh Nhi - Đặng Loan