"Giấc mơ" của người thu nhập thấp
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:41, 31/05/2013
Tuy nhiên, những người đang mang "giấc mơ nhà" lại như bị giội gáo nước lạnh khi một lãnh đạo ngành xây dựng đã phát ngôn rằng, cùng với gói hỗ trợ thì nếu một cặp vợ chồng có thu nhập 18 triệu đồng/tháng là có thể vay mua được nhà và có thể trả được nợ. Nhận định này khiến nhiều đối tượng như giáo viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang… phải toát mồ hôi, vì tổng thu nhập của họ khá lắm cũng chỉ dưới 7 triệu đồng mỗi tháng (một đại úy công an với hệ số lương 5,4 cộng với phụ cấp cũng mới chỉ xấp xỉ đạt con số này).
Có một vấn đề đang rất được dư luận quan tâm là việc hàng loạt doanh nghiệp ồ ạt xin chuyển đổi các dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội. Một phần nguyên nhân do nhu cầu thị trường, nhưng điều quan trọng hơn chính là lợi ích của chủ đầu tư. Một dạo, khi thị trường bất động sản đang ở thời hưng thịnh, việc đầu tư nhà ở xã hội chẳng được mấy doanh nghiệp mặn mà. Nhưng nay bỗng chốc cũng vẫn các doanh nghiệp ấy lại tỏ ra vô cùng hào hứng. Thế nhưng, nói một cách sòng phẳng thì có rất ít doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản muốn chuyển đổi mục đích sử dụng nhà từ thương mại sang xã hội, tuy nhiên đó lại là điều họ phải làm trong tình thế hiện nay. Thiếu vốn, nếu không chuyển đổi sẽ khó vay được tiền ngân hàng, thêm nữa là những khó khăn về đầu ra, cũng như nhiều ưu đãi không phải ai cũng có được dành cho nhà ở xã hội đã khiến doanh nghiệp phải lựa chọn. Nó như chiếc phao cứu sinh cho họ trong lúc khó khăn. Giữa "dòng nước xiết", mục tiêu của doanh nghiệp là "ôm cọc" đã, còn "lên bờ" bằng cách nào thì "để mai tính". Thậm chí có thể doanh nghiệp đang lợi dụng chủ trương chuyển đổi sang nhà ở xã hội để thanh lý "hàng tồn"... Chính vì vậy mà kỳ vọng lợi ích cho người dân sẽ trở nên yếu thế hơn.
Một chuyện khác khiến cho lợi thế chưa hẳn thuộc về người có thu nhập thấp là chính sách. Rất nhiều người cho rằng, với mức thu nhập bình quân của một cặp vợ chồng đạt 18 triệu đồng mỗi tháng thì họ sẽ cố gắng để mua nhà thương mại hơn là mua nhà ở xã hội để rồi phải chịu nhiều ràng buộc bởi các quy chế khá ngặt nghèo, thậm chí là chưa công bằng hiện nay với nhà ở xã hội.
Giá nhà ở vẫn cao, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, sự thiếu rõ ràng trong lợi ích của nhóm chủ đầu tư đang khiến cho giấc mơ có nhà của người thu nhập thấp trở nên mong manh hơn, dù thực tế có vẻ như họ đang nắm trong tay cơ hội. Lúc này, khi mà khá nhiều căn hộ của các dự án nhà ở thương mại đang dư thừa, nhiều dự án còn tồn đọng không thể hoàn thiện do thiếu vốn, việc nhiều doanh nghiệp, dự án đang muốn chuyển đổi sang nhà ở xã hội cần phải được xem xét một cách hết sức thận trọng. Trên thị trường đã có nhiều dự án bán ra những căn hộ với giá "cực rẻ". Song để có cái giá ấy, chủ đầu tư đã cắt xén hầu hết các hạng mục bắt buộc như phòng cháy chữa cháy, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…
Nếu chúng ta chỉ nhìn vào khái niệm "nhà ở xã hội" mà dễ dàng cho chuyển đổi, hoặc nếu chuyển đổi mà giá căn hộ vẫn cao thì sẽ rơi vào tình cảnh "vàng thau lẫn lộn". Khi đó, thay vì đạt được những mục tiêu tốt đẹp của loại hình nhà ở này, sẽ thu về những dự án không có chất lượng, cũng không đáp ứng được giấc mơ nhà ở cho người thu nhập thấp. Dân thiệt, Nhà nước thiệt. Chỉ có doanh nghiệp là ung dung hưởng lợi!