Chênh lệch giá vàng giúp giảm đầu cơ

Kinh tế - Ngày đăng : 15:13, 30/05/2013

(HNMO) - Việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cựu lên kinh tế vĩ mô...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Internet



Ngày 30-5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã có báo cáo về công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng tại Quốc hội.

Trước thắc mắc về lựa chọn SJC gia công vàng miếng, NHNN cho biết, việc lựa chọn công ty SJC gia công vàng miếng cho NHNN là phù hợp với thực tiễn thị trường trong thời kỳ hiện nay, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và xã hội. Cụ thể, việc này phù hợp với thực tế thị trường vàng miếng; tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và xã hội và năng lực sản xuất vàng miếng của Công ty SJC phù hợp với nhu cầu gia công của NHNN.

NHNN cũng cho rằng việc lựa chọn công ty SJC sản xuất vàng miếng cho NHNN không tạo ra độc quyền doanh nghiệp cho công ty SJC vì từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, mà chỉ gia công vàng miếng theo đơn đặt hàng của NHNN và chỉ còn được kinh doanh mua bán vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Hơn nữa, tất cả số vàng miếng nhãn mác khác được phép sản xuất trước khi Nghị định 24 có hiệu lực (ngày 25-5-2012) vẫn được phép lưu hành bình thường.

Về việc chênh lệch giá trong nước và thế giới, Thống đốc cho biết, nước ta không phải là nước sản xuất vàng. Do vậy, để giá vàng trong nước bằng hoặc sát với giá vàng thế giới thì thị trường vàng trong nước phải liên thông tuyệt đối hoặc liên thông tương đối với thị trường vàng quốc tế.

Để thị trường vàng trong nước liên thông tuyệt đối với thị trường vàng thế giới thì chúng ta phải cho phép doanh nghiệp, và người dân kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, đồng thời phải cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu vô điều kiện số dư vàng trên tài khoản khi có nhu cầu. Khi đó, nhà đầu tư (người mua, bán vàng) thông qua tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, có thể mua bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào, hơn nữa, nhà đầu tư lại được xuất, nhập khẩu vàng tự do ra vào Việt nam. Như vậy, về nguyên tắc giá vàng thế giới và giá vàng trong nước sẽ tương trùng với nhau (loại trừ phí và thuế).

Từ gần giữa năm 2012, khi mà khuôn khổ pháp lý mới có hiệu lực thi hành, NHNN không cấp phép cho bất kỳ đối tượng nào nhập khẩu vàng, hoạt động nhập lậu cũng bị kiểm soát chặt chẽ, trên thị trường NHNN cũng mới chỉ bán can thiệp khoảng 20 tấn vàng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao và cao hơn nhiều so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, thị trường vàng ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, không còn hiện tượng làm giá, tạo sóng để kiếm lời, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, hiện tượng ”vàng hóa” được kiềm chế và đầy lùi, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh lên thị trường ngoại hối như trước đây, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định, ngoài ra đã mua lại được của dân gần 100 tấn vàng.

Vì vậy, theo NHNN, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cựu lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại.

Trước đây khi chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới, tức khi chưa có Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, mỗi khi giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau từ 400.000 đồng/lượng trở lên là lập tức có hiện tượng nhập lậu vàng với quy mô lớn làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối và tỷ giá, vì mục tiêu bình ổn tỷ giá trước mắt ta phải chính thức cho nhập khẩu vàng để kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống dưới 400.000 đồng/lượng và làm cho mức chênh lệch này càng thấp càng tốt. Nhưng trong hoàn cảnh giá vàng thế giới biến động liên tục với biên độ rất mạnh thì tác dụng của biện pháp này cũng rất hạn chế và có tính chất tạm thời vì những diễn biến giá cả của thị trường trong và ngoài nước sẽ nhanh chóng lại xác lập một mức chênh lệch mới và lại buộc phải tiếp tục can thiệp-một chu kỳ mới lại diễn ra.

“Như vậy, mục tiêu làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức thấp chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực trước mắt của thị trường vàng lên ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng”.

Đến nay, khi một khuôn khổ pháp lý mới đã được thiết lập, mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao nhưng thị trường vàng ổn định hơn, các tác động tiêu cực của nó lại được kiểm soát tốt hơn. “Chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, đã làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ và do vậy mà góp phần kiềm chế ”vàng hóa” nền kinh tế”.

Cơ quan quản lý này nhận định, trong điều kiện khuôn khổ pháp lý mới và hoạt động can thiệp thị trường của NHNN, về trung và dài hạn, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp; về ngắn hạn, khi giá vàng thế giới có biến động đột biến thì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là tất yếu. Việc giá vàng trong nước ổn định là cần thiết giúp cho thị trường trong nước không bị chao đảo theo biến động của thị trường vàng quốc tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủy Hương