Khôi phục niềm tin để vực dậy nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 11:44, 30/05/2013
Những “nút thắt” của nền kinh tế liên quan đến nợ xấu, hàng tồn kho và những giải pháp mạnh mẽ để chống suy giảm kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng đã được các đại biểu quốc hội (ĐB) thảo luận sôi nổi.
Số liệu thống kê: thiếu thống nhất
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2012, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nền kinh tế nước ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Song việc thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2012 đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra là ưu tiên kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. 11/15 chỉ tiêu đã được Chính phủ thực hiện đạt và vượt kế hoạch, cán cân thương mại đã cải thiện rõ rệt, thị trường ngoại tệ và tỷ giá được giữ ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% năm 2011 và 11,75% năm 2010. Các lãi suất chủ chốt của Ngân hàng nhà nước đã được điều chỉnh giảm dần. Tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt cao hơn so với kế hoạch. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước (NSNN) gặp nhiều khó khăn nhưng kinh phí bố trí thực hiện các chính sách an sinh xã hội vẫn đạt 35,8% tổng chi NSNN, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2011.
Nhận xét về những số liệu thống kê được nêu tại báo cáo, ĐB Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, từ nhiều năm nay, chúng ta cứ chấp nhận một thực tế vô lý về số liệu GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi GDP quốc gia. Mấy năm qua, vấn đề sinh tử của nền kinh tế là giải quyết cục máu đông nợ xấu, hàng tồn kho bất động sản nhưng mức độ tin cậy của các báo cáo là rất thấp. Cuối 2012, nợ xấu khoảng 10%, thanh tra NHNN cho rằng 8,6% và trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%. Hồi tháng 3/2012, NHNN thông báo nợ xấu còn 6%. Còn mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra con số 11,8%. “Con số thực, bản chất nợ xấu nghiêm trọng hơn nhiều so với con số đã công bố? Nếu áp dụng Thông tư 02, nợ xấu của 1 ngân hàng 2-3% có thể tăng lên 15% hoặc hơn nữa” – ĐB nêu ý kiến.
Liên quan đến số liệu về số liệu tồn kho bât động sản, ĐB Nguyễn Văn Hiến cũng bày tỏ băn khoăn: cho đến giờ này, chúng ta không biết con số thực về hàng tồn kho bất động sản là bao nhiêu. Các số liệu công bố rất khác nhau. 200.000 căn hay 400.000 căn? 83.000 tỷ đồng hay 40.000 tỷ đồng? Nợ công là bao nhiêu? 55% GDP hay 59% GDP và liệu có an toàn? Tại sao mỗi năm hơn 50.000 DN phá sản, số DN phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội càng ngày càng giảm… thế nhưng tạo việc làm mới cứ đều đặn 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp hàng năm cứ giảm?”.
Đồng quan điểm này, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, thiếu lời giải thích sẽ làm sụt giảm niềm tin của thị trường và người dân, trong khi đó, niềm tin là yếu tố vô cùng quan trọng để có thể vực dậy nền kinh tế đang lâm „trọng bệnh” như hiện nay.
Lạm phát giảm, cơ hội tái cơ cấu
Nhận xét về thực trạng suy giảm kinh tế hiện nay, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) khẳng định: Cử tri đang mong đợi kỳ họp này Chính phủ sẽ đưa ra biện pháp để chống sự suy giảm của nền kinh tế, chấm dứt giai đoạn trì trệ, vực dậy niềm tin thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn. Hiện nông nghiệp rất khó khăn, không còn là chỗ dựa an toàn cho công nhân trở về như những năm trước đây. ĐB cũng bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng khu vực kinh tế trong nước cả tư nhân và nhà nước đã suy yếu nặng nề trong cạnh tranh và nổi lên động lực nghiêng về khu vực kinh tế nước ngoài ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế.
Trong phiên thảo luận sáng 30-5, nhiều ĐB đã đánh giá cao việc Chính phủ kịp thời cho ra đời 2 nghị quyết số 1 và 2 hỗ trợ thị trường, DN và cho rằng, đây là điểm nổi bật giúp kiềm chế được lạm phát. Trước đây, chúng ta coi lạm phát là „con ngựa bất kham”, nhưng nay với điều kiện ngắn hạn, lạm phát đã giảm. Các ĐB cho rằng, giai đoạn trước, do bất kinh tế vĩ ổn vĩ mô, chúng ta chưa thể tiến hành biện pháp mạnh để tái cơ cấu kinh tế, thì thời điểm hiện nay là cơ hội để tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn để tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững. “Phải đưa vào Nghị quyết chương trình phục hồi kinh tế trung hạn với nội dung đồng bộ để Chính phủ triển khai và Quốc hội ủy quyền cho UBTV giữa hai kỳ họp thứ 5 và 6 quyết định những vấn đề quan trọng. Tôi tin rằng, cử tri đang trông chờ những quyết sách như vậy”, ĐB Trần Du Lịch nêu ý kiến.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: Thu ngân sách khó khăn do tăng trưởng kinh tế chậm 4 tháng đầu năm 2013, thu ngân sách mới đạt 43,8% kế hoạch đề ra là do tăng trưởng kinh tế chậm, hàng tồn kho nhiều. Mặt khác, việc Chính phủ đưa ra lộ trình giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước… Thời gian tới, Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách. Đặc biệt, sẽ cắt giảm những khoản chi không cần thiết như chi tổ chức hội thảo, hội nghị, chi cho cán bộ đi công tác nước ngoài. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phải bố trí 30% ngân sách tối thiểu để trả nợ cho những dự án xây dựng cơ bản đã được Chính phủ ứng vốn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Triển khai các giải pháp mạnh xử lý nợ xấu Liên quan đến tiến trình xử lý nợ xấu, từ tháng 4-2012 đến nay, tổng số nợ ngân hàng cơ cấu lại cho DN đã lên tới 284 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ. 4 tháng đầu năm nay, các tổ chức tín dụng đã tiếp tục trích nợ dự phòng khoảng 68 nghìn tỷ đồng để làm cơ sở tiếp tục xử lý nợ xấu. Cuối năm nay Công ty mua bán nợ chính thức hoạt động. Dự kiến năm nay công ty này sẽ góp phần giải quyết từ 40 đến 70 tỷ đồng nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đưa ra gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà, góp phần giải quyết tồn kho bất động sản. Trong đó, dự kiến năm nay, giải ngân ít nhất 15.000 - 20.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh: Các bộ, ngành địa phương đều chậm tái cơ cấu kinh tế Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành hàng loạt quyết định, chính sách nhưng sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, DN còn chậm. Do đó, Bộ KH- ĐT đã trình Chính phủ từng đề án tái cơ cấu cho từng ngành, từng địa phương. Về tái cấu trúc đầu tư công, Bộ KH-ĐT cũng đã trình Chính phủ giải pháp triển khai hiệu quả. Trong đó, bố trí vốn tập trung hơn, có chế tài bảo đảm sự kiểm soát của trung ương. Qua kiểm tra, 96% vốn do trung ương kiểm soát đã được thực hiện đúng, có hiệu quả. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền: Sẽ thống nhất lại cách tính số liệu giải quyết việc làm mới Trong chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2012, số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra là đã giải quyết 1,347 triệu việc làm mới. Còn Chính phủ lại báo cáo là 1,52 triệu lao động được giải quyết việc làm. Có sự chênh lệch như vậy là do khi thống kê, hai cơ quan có cách tính khác nhau. Riêng con số tỷ lệ thất nghiệp giảm đều đặn 2% hằng năm do Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là có căn cứ khá chính xác. Nếu ở các nước, lao động mất việc nghỉ ở nhà, thì tại Việt Nam, khi DN vừa và nhỏ phá sản, lao động trở lại nông thôn trồng hoa màu, cấy lúa, chăn nuôi… Tức là họ vẫn có việc làm nhưng thu nhập thấp. Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thống nhất cách tính số liệu. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Chú trọng đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, hiện Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đều đã được chủ đầu tư báo cáo đánh giá tác động về môi trường gửi tới Bộ TN-MT xem xét. Chỉ khi báo cáo này được Bộ TN-MT phê duyệt thì dự án mới được triển khai. Còn trường hợp có ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống người dân, có thể Bộ Công thương sẽ đề nghị dừng triển khai dự án. Hà Phonglược ghi |