Điều cha mẹ nên làm để trẻ lớn lên trong hạnh phúc

Xã hội - Ngày đăng : 10:11, 30/05/2013

Những điều cha mẹ nên làm dưới đây phần nào sẽ giúp đưa trẻ hòa nhập và cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống, để bé trưởng thành toàn diện hơn.

Nuôi dưỡng một đứa trẻ không chỉ là nuôi dưỡng về mặt thể chất mà còn về mặt tâm hồn. Những điều cha mẹ nên làm vô cùng đơn giản dưới đây phần nào sẽ giúp cha mẹ đưa trẻ hòa nhập và cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống, để bé trưởng thành toàn diện hơn.

Hiểu tâm trạng của bé

Trong 6 tháng đầu đời, bé sẽ thể hiện mọi cảm xúc trên khuôn mặt để bạn có thể hiểu được bé. Bé sẽ cười tươi khi bạn bước vào phòng và khóc lóc khi có ai đó lấy đi món đồ chơi yêu thích.

Bạn sẽ phải thích nghi với sự thay đổi biểu cảm liên tục của bé, cười tươi ngay sau khi khóc và ngược lại. Bạn đừng lo lắng khi bé khóc nhiều hơn cười vì khóc và nét mặt không hài lòng là cách duy nhất để bé giao tiếp với bạn.

Có thể bé làm vậy để báo cho bạn biết rằng tã lót của bé đã bị bẩn, bé đói hoặc bé đang bị đau đớn. Việc này sẽ giảm dần khi bé lớn lên và có thể biểu hiện cảm xúc dễ dàng hơn với ngôn ngữ cơ thể và lời nói.

Mang đến sự vui vẻ cho bé

Thay vì mang đến cho bé một chiếc điện thoại di động đồ chơi đầy màu sắc hoặc một căn phòng rực rỡ thì điều làm bé vui vẻ đơn giản hơn rất nhiều, đó chính là sự hiện diện của bạn.

Hãy chơi cùng bé vì khi bạn vui vẻ cũng khiến cho bé vui vẻ. Chơi đồ chơi là một cách tuyệt vời để giúp con phát triển những kĩ năng cần thiết cho tương lai. Xây nhà với các khối xếp hình hay chơi các đồ chơi nấu ăn hoàn toàn có khả năng giúp bé hình thành sở thích thậm chí là định hướng tới một nghề nghiệp nào đó trong tương lai.

Giúp bé thể hiện tình cảm của mình

Đối với trẻ sơ sinh, cách duy nhất thể hiện cảm xúc, đó là khóc. Nhưng khi lớn hơn, bạn có thể hướng dẫn bé đặt tên cho các cảm xúc của mình thông qua lời nói. Bé sẽ nhận biết được các trạng thái “vui vẻ” hay “giận dữ”. Thậm chí trước lúc bé biết nói, bạn có thể biểu hiện một trạng thái cảm xúc trên khuôn mặt mình và hỏi xem bé có cảm thấy như vậy không.

Bạn cần chú ý nếu bé trở nên quá nhạy cảm hoặc hay giận dữ vì rất có thể do thói quen của bé bị thay đổi hoặc bé đã thất vọng vì một điều gì đó. Khi lớn dần, bé sẽ phải thường xuyên gặp sự thất vọng như khi hờn dỗi ở một bữa tiệc sinh nhật hay khóc lóc vì không được mời tham gia trò chơi, bạn hãy để bé thể hiện mọi cảm xúc một cách tự nhiên nhất. Con bạn cần phải biết rằng, sự thất vọng là một phần của cuộc sống.

Ảnh minh họa


Tập cho bé đối mặt với sự thất vọng

Trong năm đầu tiên, bé được học rất nhiều điều như: ngồi, đi, đứng, nói chuyện,… Những kĩ năng này đều cần thời gian để phát triển. Điều quan trọng là bạn hãy để bé gặp những sai sót khi học tập và hãy khuyến khích bé sửa sai để tiếp tục cố gắng.

Bé sẽ cảm thấy từ thất vọng, tức giận chuyển thành cảm giác hân hoan khi đạt thành quả và sự tự tin khi làm những việc khác. Khi bé đã trải qua tất cả các cảm xúc này, chúng sẽ giúp bé có nội tâm vững chắc để biết đối mặt và vượt qua mọi khó khăn khi trưởng thành.

Khen ngợi bé đúng lúc

Những người hạnh phúc thường là những người đã làm chủ một kĩ năng và kĩ năng đó cần có thời gian để phát triển thành một thói quen tốt trong cuộc sống. Vì vậy, khi con bạn viết thành công tên của bé lần đầu tiên, hãy khen ngợi vì bé xứng đáng nhận được những lời khen khi làm tốt một việc gì đó.

Quan trọng nhất là, để bé có thể hiểu rằng bé có quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Bé có thể làm tốt bất kì việc gì nếu như bé để tâm vào việc đó. Điều này sẽ là yếu tố quan trọng để đạt được thành công trong cuộc sống của bé sau này.

Giữ gìn sức khoẻ

Tình trạng sức khoẻ tốt thì tâm trạng mới luôn vui vẻ. Ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và một chế độ ăn uống lành mạnh là những yếu tố quan trọng đối với cơ thể đang phát triển của bé. Hãy cho bé giải phóng năng lượng thường xuyên để bé có tâm trạng tốt khi làm mọi việc bằng cách chơi các trò chơi như: đá bóng, chạy nhảy hoặc tham gia các trò chơi tập thể.

Bé có thể bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của bạn

Điều này hoàn toàn thực tế. Đối với trẻ sơ sinh, khi bạn mỉm cười bé sẽ bắt chước bạn và bé cũng mỉm cười. Với những gia đình trẻ, nhiều lúc bạn sẽ thấy quá tải và mệt mỏi, điều này ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm trạng của bé. Bạn cần dạy con cách chia sẻ cảm xúc và đơn giản là nhận sự giúp đỡ của bố mẹ để tránh cho bé bị bệnh trầm cảm.

Dạy bé cách khiến cho người khác cảm thấy vui vẻ

Khi bé trên 10 tháng tuổi, bạn có thể dạy bé cách giúp đỡ người khác bằng những việc đơn giản. Ví dụ như bạn hãy đề nghị bé cho bạn một miếng trên quả chuối mà bé đang ăn. Nếu bạn đang chải tóc, hãy để bé có cơ hội cầm lược chải tóc cho bạn. Những khoảnh khắc nhỏ này rất có ý nghĩa trong việc dạy bé cách chia sẻ và chăm sóc người khác.

Khi bé lớn hơn một chút, hãy để bé bỏ quần áo bẩn của bé vào trong giỏ quần áo thay vì bạn tự thu gom, điều này sẽ khiến bé cảm thấy rằng bạn công nhận sự giúp đỡ của bé là cần thiết. Chắc chắn, bé cũng sẽ rất vui khi những người được bé “giúp đỡ” cũng cảm thấy vô cùng vui vẻ, hạnh phúc.

Theo Tri thức trẻ