Nhiều dự án xi măng hoạt động không hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 05:57, 30/05/2013
Tình cảnh hoạt động cầm chừng, thua lỗ là câu chuyện của nhiều nhà máy xi măng khi bất động sản "đóng băng", cung vượt cầu và các doanh nghiệp (DN) buộc phải cạnh tranh với nhau để giành thị phần.
Nhà máy Xi măng Sông Thao đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ. Ảnh: Minh Tuấn |
Việc ứng vốn trả nợ nhằm giúp HUD vượt qua khó khăn, đồng thời bảo đảm uy tín trong thanh toán theo hợp đồng vay vốn với nước ngoài. Khoản tiền cả gốc và lãi gồm 1,9 triệu euro và 2,9 triệu USD là khoản phải trả cho các kỳ hạn: Tháng 6, 7 năm 2013, tháng 12-2013 và tháng 1-2014, tháng 6, 7 năm 2014. HUD có trách nhiệm chỉ đạo Công ty CP Xi măng Sông Thao (HUD đang nắm 81% vốn) nâng cao hiệu quả kinh doanh, thu xếp nguồn vốn để trả quỹ trong năm 2015-2016. Được biết, để đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Thao, Công ty CP Xi măng Sông Thao đã vay trong nước 641 tỷ đồng (Ngân hàng Phát triển Phú Thọ 330 tỷ đồng và Ngân hàng NN&PTNT Phú Thọ 311 tỷ đồng), tới nay số nợ gốc đã trả là 189 tỷ đồng. Ngoài khoản vay trong nước, với tư cách là cổ đông lớn nhất, HUD vay Ngân hàng BNP Paribas của Pháp với số tiền 8,5 triệu euro và 13,5 triệu USD để đầu tư dự án. Trong số này, HUD đã trả 6 triệu euro và 9,2 triệu USD. Dư nợ tính đến ngày 31-3-2013 là 4,7 triệu euro và 6,1 triệu USD. Nghĩa vụ phải trả cho BNP trong năm 2013-2014 là 2,1 triệu euro và 3,5 triệu USD, được chia làm 4 kỳ từ tháng 6-2013 đến tháng 1-2015. Lãi suất thả nổi tạm tính theo 4 kỳ là 410.000 euro và 343.700 USD. Với tổng nợ trong và ngoài nước, Công ty CP Xi măng Sông Thao có tổng nợ phải trả trên tổng giá trị tài sản bằng 79,38%; có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp 3,85 lần. Vì vậy, cuối tháng 4-2013, HUD đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đề nghị ứng vốn trả nợ vay nước ngoài cho dự án Nhà máy Xi măng Sông Thao.
Hoạt động không hiệu quả, rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần là chuyện của nhiều dự án xi măng. Chính thức hoạt động từ tháng 3-2010, đến nay số lỗ lũy kế của Nhà máy Xi măng Sông Thao đã lên tới 306,6 tỷ đồng mà nguyên nhân là do ảnh hưởng của thị trường sụt giảm nên nhà máy không đạt được công suất thiết kế, mặt khác chi phí đầu vào như điện, than, nhân công… tăng từ 15% đến 85% nhưng giá bán xi măng giảm khoảng 25% so với thời điểm 2010. Chưa kể, sau khi kiểm toán, tổng mức đầu tư dự án lên tới hơn 1,7 nghìn tỷ đồng so với 1,6 nghìn tỷ đồng dự toán. Tương tự, Nhà máy Xi măng Cẩm Phả, nhà máy có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, tính đến hết năm 2011 đã lỗ 1.200 tỷ đồng sau hai năm hoạt động do chưa có thương hiệu lại đúng lúc kinh tế khó khăn. Xi măng Hạ Long cũng lỗ 1.090 tỷ đồng (tính đến hết năm 2011) do tiêu thụ sụt giảm, chỉ chạy được hơn 70% công suất thiết kế. Xi măng Đồng Bành, sau một năm hoạt động, cũng lỗ 149 tỷ đồng. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, chi phí đầu vào như điện, than… tăng, lãi suất vay ngân hàng tăng, có thời điểm hơn 20%/năm, trong khi tiêu thụ sụt giảm, cung vượt cầu đã khiến cho hầu hết nhà máy xi măng rơi vào thua lỗ. Bi đát nhất là những dự án mới đi vào hoạt động chưa có thương hiệu, tiêu thụ khó lại đến thời hạn phải trả cả gốc lẫn lãi vay.
Theo Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI), dư thừa năng lực sản xuất xi măng hiện nay khoảng 20-25 triệu tấn, tương đương 10 nhà máy cỡ lớn, ứng với số vốn vài tỷ USD. Đa số kinh doanh thua lỗ, lâm cảnh nợ nần, với vốn vay nợ gấp vài lần vốn chủ sở hữu. Ngoài quy hoạch phát triển không phù hợp thực tiễn, VAFI cho rằng đầu tư xi măng nhận được nhiều ưu ái, mà lẽ ra khi bộc lộ dấu hiệu dư thừa cách đây 10 năm cần phải điều chỉnh quy hoạch theo hướng đầu tư có chọn lọc và hạn chế. Đặc biệt, cơ chế bảo lãnh tín dụng đã khiến cho nhiều DN nhà nước, lãnh đạo địa phương hăng hái xin tín dụng bảo lãnh. Từ bài học xi măng, VAFI kiến nghị với bất kỳ loại hình DN nào, tổng dự nợ cho vay không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu và dần dần phải chặt chẽ hơn với mức không quá một lần vốn chủ sở hữu. Để nhanh chóng đưa DN xi măng thoát khỏi tình trạng khó khăn, cách tốt nhất hiện nay là thu hút được nhà đầu tư chuyên nghiệp vào quản lý, thu hút vốn FDI để tái cấu trúc tài chính DN, nhanh chóng giải quyết lượng hàng tồn kho dư thừa công suất nhờ xuất khẩu thông qua các đối tác FDI.