Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng: Thủ đô Hà Nội giữ vai trò “xương sống”

Xã hội - Ngày đăng : 05:46, 30/05/2013

(HNM) - Thủ tướng vừa phê duyệt

Nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy

Là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động Đông Nam Á, Bắc Á, vùng ĐBSH bao gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Dân cư đông đúc, có lịch sử phát triển lâu đời, đặc biệt trong vùng có Thủ đô Hà Nội, song nhiều năm qua vùng ĐBSH chưa phát huy được hết lợi thế, tiềm năng. Bên cạnh đó, việc hợp tác, gắn kết giữa các tỉnh, thành trong vùng vẫn chưa tương xứng với thế mạnh của mỗi địa phương.

Thủ đô Hà Nội sẽ là “xương sống” cho sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Khánh Huyền


Riêng tại Hà Nội, trong lĩnh vực hợp tác, phát triển, những năm gần đây thành phố đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm hợp tác phát triển với 28 tỉnh, thành trong cả nước. Với các địa phương trong vùng ĐBSH, Hà Nội đã có chủ động liên kết, hợp tác trên nhiều lĩnh vực như dịch vụ du lịch, giao thông vận tải, quy hoạch. Theo thống kê, hiện có hơn 400 dự án của doanh nghiệp Hà Nội đầu tư vào các địa phương với tổng số vốn trên 30 nghìn tỷ đồng, sử dụng khoảng 30 nghìn lao động và trên 2 nghìn héc ta mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đơn cử, về hợp tác văn hóa xã hội, Hà Nội đã cùng các tỉnh: Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nam Định và TP Hải Phòng ký kết hợp tác, tổ chức tour du lịch tâm linh, sinh thái, xây dựng các làng văn hóa... Hà Nội cũng giúp các tỉnh đào tạo cán bộ trong lĩnh vực y tế, trao đổi công tác phòng, chống dịch bệnh, bồi dưỡng học sinh giỏi (hằng năm dành 45 chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH học tại Trường THPT Chu Văn An).

Dù đã có nhiều nỗ lực, song tại hội nghị phát triển hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành vùng ĐBSH được tổ chức cách đây chưa lâu, chính quyền các địa phương đều nhìn nhận hoạt động hợp tác mới dừng chủ yếu ở một số lĩnh vực kinh tế, trao đổi thông tin, kinh nghiệm. Đáng nói, các địa phương đang thiếu một cơ chế hợp tác hiệu quả, thiếu một bức tranh tổng thể về quy hoạch kinh tế - xã hội chung cho toàn vùng. Chính vì vậy, bản "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH đến năm 2020" được Chính phủ phê duyệt, với các mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng cho từng bộ, ngành, địa phương là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển của toàn vùng.

Hà Nội là "đầu tàu"

Theo quy hoạch, Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp cho GDP cả nước của vùng ĐBSH từ 24,7% năm 2010 lên 26,6% năm 2015 và 28,7% năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người trong vùng sẽ được nâng lên 4.180 USD vào năm 2020 (bằng 1,3 lần mức trung bình của cả nước). Toàn vùng thu hút khoảng 24-25 triệu lượt khách trong nước và khoảng 4,5-5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, giải quyết việc làm hằng năm cho 300-350 nghìn lao động...

Với vị trí đặc biệt quan trọng, Chính phủ định hướng phát triển Hà Nội là trung tâm của vùng, theo hướng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, bảo đảm thực hiện chức năng là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ, giao thương và kinh tế lớn của cả nước, hình thành một hệ thống đô thị, khu công nghiệp, hành lang kinh tế làm "xương sống" cho sự phát triển của cả vùng. Quy hoạch phát triển vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được gắn với phát triển một số đô thị vệ tinh về phía tây, nam đến đường Vành đai 4 và về phía bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía đông đến khu vực Gia Lâm, Long Biên.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, thời gian tới nhiều công trình văn hóa tiêu biểu quy mô tầm quốc gia, trường đại học chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế; hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng sẽ được xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp cũng sẽ được ưu tiên thực hiện trước. Về phát triển giao thông, sẽ cải tạo nhà ga T1; hoàn thành xây mới nhà ga hành khách T2 sân bay Nội Bài công suất 25 triệu lượt người/năm vào năm 2015 và 50 triệu lượt khách/năm vào năm 2020. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đạt 35%. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là đầu mối quan trọng trong xây dựng, phát triển các hành lang kinh tế và hướng tới phát triển thành trung tâm tài chính, ngân hàng có uy tín trong khu vực.

Giữ vai trò "đầu tàu" trong quy hoạch phát triển của toàn vùng ĐBSH, tin rằng với những định hướng chiến lược đến năm 2020, Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố sẽ thực sự là địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các "đột phá chiến lược, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và trật tự an toàn xã hội".

Vùng ĐBSH gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh; diện tích 21 nghìn kilômét vuông, dân số hơn 20 triệu người.

An Trân