Nới điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 29/05/2013
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh cho biết, hiện nay, nếu DN không đủ điều kiện để vay vốn thì các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn tạo điều kiện bằng ba cách: Cho vay bằng tín chấp, cho vay bằng thế chấp các dòng tiền, nhờ quỹ bảo lãnh tín dụng của DN vừa và nhỏ để bảo lãnh vay. "DN lớn, DN vừa và nhỏ, thậm chí DN siêu nhỏ hay bất kỳ thành phần kinh tế nào, hễ có phương án đầu tư khả thi, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả đều có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngang nhau", ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định.
Các doanh nghiệp đang được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. |
Số liệu của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 890.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ dành cho sản xuất kinh doanh khoảng 66,7%. Trong số này, dư nợ thực hiện cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 68.000 tỷ đồng với lãi suất trung bình 11%/năm, thấp nhất 8,5-8,7%/năm. Trong thời gian qua, ngành ngân hàng TP đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, nhất là các DN vừa và nhỏ. Qua đó, các DN vừa và nhỏ đã tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi hơn. Đến nay, đã có hơn 24.000 DN trên địa bàn thành phố được chấp thuận những khoản vay mới.
Thời gian qua, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Sở Công thương, với Hiệp hội DN thành phố… trực tiếp gặp gỡ các DN nhằm kết nối giữa ngân hàng với DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Kết quả, đã có hơn 230 DN thuộc 8 quận, huyện được hỗ trợ vay vốn với tổng số vốn gần 1.700 tỷ đồng.
Vấn đề then chốt - Đầu ra của sản phẩm
Hiện nay, nhiều DN đang rơi vào hai trạng thái, một là sau thời gian khủng hoảng từ năm 2008 đến nay đã hết sức cảnh giác trong việc đầu tư thêm; hai là, DN chấp nhận thu hẹp sản xuất, chờ tín hiệu thị trường để quyết định là có nên vay hay không. Còn đối với DN có tiềm lực, có đủ điều kiện để tiếp cận vốn vay ngân hàng nhưng trong điều kiện sức mua yếu như hiện nay, không có lý do gì họ phải vay vốn với lãi suất cao.
Như vậy, vấn đề là thị trường tiêu thụ thế nào chứ không phải nằm ở lãi suất. Nhìn nhận về khả năng tiếp cận và sử dụng nguồn vốn của DN, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp (Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) nhận định: "Ở đây, nếu chưa giải quyết được thị trường, chưa khai thông được "cục máu đông" của hàng tồn thì dòng vốn vẫn còn bị tắc". Nhiều DN cho rằng, mức lãi suất hiện nay (ngắn hạn 9-11%/năm, trung và dài hạn 15-15,5%/năm) vẫn còn cao, gây khó khăn cho DN. Tuy nhiên, theo TS Lê Thẩm Dương, lãi suất cao hay thấp phải căn cứ từng bối cảnh cụ thể. Thực tế cho thấy, bên cạnh những DN phá sản hoặc ngừng sản xuất, vẫn còn khoảng 25-30% DN đứng vững, thích nghi được và trở nên lớn mạnh. Theo các chuyên gia, bất kể DN lớn, vừa, nhỏ hay siêu nhỏ để tồn tại trong thị trường cạnh tranh không chỉ lệ thuộc vào vốn mà còn lệ thuộc vào toàn bộ bối cảnh chung của nền kinh tế, lệ thuộc vào thị trường chiếm giữ, lệ thuộc vào năng lực quản trị, vào nguồn nhân lực. "Vốn chưa hẳn là yếu tố quyết định đối với DN. Theo số liệu mà chúng tôi có được, phần lớn DN vừa và nhỏ "lăn ra chết" là do năng lực quản trị, thứ hai là địa điểm kinh doanh, thứ ba mới là vốn" - TS Lê Thẩm Dương cho biết.
Theo thống kê, có tới 97% DN đang tồn tại là DN vừa và nhỏ. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho đối tượng DN này, theo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, giải pháp đang được thực hiện là mở rộng cho vay bằng tín chấp. Quy chế cho vay này không phân biệt các thành phần kinh tế, cho phép các NHTM, các tổ chức tín dụng được quyền cho vay tín chấp hoặc cho vay thế chấp bằng tài sản, mà chủ yếu là đối tượng DN vừa và nhỏ.