Vì sao giảm nghèo chưa bền vững?
Đời sống - Ngày đăng : 06:40, 28/05/2013
Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện 103 khám bệnh, cấp thuốc cho người nghèo tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Tuấn Yên |
Mặc dù kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn luôn ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội, bố trí kinh phí để triển khai các chính sách giảm nghèo bền vững... Nhờ đó, ngày càng có nhiều người nghèo được hưởng lợi từ các chính sách như: Khám, chữa bệnh, hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, tín dụng, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trợ giúp pháp lý. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (năm 2011) và 9,6% (năm 2012), bình quân giảm 2,3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm từ 58,33% năm 2010 xuống còn 50,97% năm 2011 và 43,89% năm 2012, bình quân giảm hơn 7% mỗi năm.
Công tác giảm nghèo gặt hái được nhiều kết quả khả quan nhưng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tỷ lệ nghèo giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60%-70%. Tỷ lệ hộ nghèo của các gia đình dân tộc ít người chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của họ chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.
Theo các chuyên gia thì tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến các nguyên nhân khách quan về điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, năng lực và trình độ nhận thức, tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc, còn có các nguyên nhân khách quan về cơ chế, chính sách, điều hành và tổ chức thực hiện. Nhà nước có nhiều chính sách giảm nghèo nhưng chủ yếu mang tính hỗ trợ (chính sách y tế, giáo dục, nhà ở...), trong khi chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, suất đầu tư thấp (vay vốn tín dụng ưu đãi, vay vốn giải quyết việc làm, đào tạo nghề). Mặt khác, Nhà nước chậm ban hành các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cơ chế, chính sách đối với người nghèo đã được ban hành, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người nghèo nhưng việc tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa hiệu quả như chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số học bán trú. Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về giảm nghèo chưa được tổ chức thường xuyên, một bộ phận người nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng.
Để giải quyết vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người nghèo, đồng bào dân tộc ít người tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn. Những gì bất hợp lý phải khẩn trương được sửa đổi, thay thế. Chính sách giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, có các chính sách giảm nghèo chung, có chính sách giảm nghèo đặc thù cho từng vùng khó khăn, nhóm người nghèo dân tộc ít người, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải quán triệt đầy đủ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của mình; phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội mới có thể thành công.
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện chính sách giảm nghèo vẫn còn "cào bằng", có khoảng cách lớn giữa các mức ưu đãi, cần nghiên cứu sâu để có những chính sách mang tính đặc thù. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, cần giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, không gắn với điều kiện nhằm khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo. Việc quy định thời gian hỗ trợ chính sách với hộ nghèo cần được quy định cụ thể, nếu thiếu ý chí vươn lên, trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo sẽ tạm dừng việc hỗ trợ, bảo đảm công bằng trong thực hiện chính sách.