Trông đợi ảnh hưởng từ hai siêu cường

Thế giới - Ngày đăng : 06:18, 28/05/2013

(HNM) - Hội nghị quốc tế tại Geneva (Thụy Sĩ), theo sáng kiến của bộ đôi Nga - Mỹ, sẽ diễn ra vào tháng 6 tới, nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria.

Trong một diễn biến mới, ngày 26-5, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cho biết, Damascus đã nhất trí trên nguyên tắc tham dự hội nghị. Cùng thời gian này, lực lượng đối lập - Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) - nhóm họp tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết, cũng sẽ tới hội nghị này. Trong khi đó, theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, ngày 27-5, đã gặp riêng tại thủ đô Paris (Pháp) để bàn thảo nhằm đưa các bên liên quan trong cuộc nội chiến ở Syria tới tham dự Hội nghị hòa bình quốc tế về Syria. Như vậy, các nỗ lực của cộng đồng quốc tế đã được triển khai, sự tham gia của hai phía tại Syria, nhân tố quan trọng cho hội nghị, được xác nhận đã làm dấy lên hy vọng về một lối thoát cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.

Quân đội Syria đã giành ưu thế trước quân nổi dậy tại thị trấn chiến lược Al-Qussair.


Bước đi chung Nga - Mỹ cho thấy, nỗ lực của Mátxcơva và Washington trong việc tìm kiếm tiếng nói chung để chấm dứt cuộc khủng hoảng mang tên Syria, có thể làm đảo lộn cục diện địa - chính trị trong khu vực. Còn nhớ, hồi trung tuần tháng 5-2013, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã tỏ ra hoài nghi khi cho rằng, rất khó tổ chức được một hội nghị có sự tham dự của cả Chính phủ Syria lẫn phe đối lập. Thế nhưng, sự đồng thuận của hai cường quốc đã mang đến hy vọng mới. Không chỉ có hai phía ở Syria mà còn cả các nước láng giềng, các "nước đóng vai trò quan trọng trong khu vực" như Iran và Saudi Arabia cũng đã sẵn sàng tham gia hội nghị... Dư luận khu vực cho rằng, việc cả Chính phủ Syria lẫn lực lượng nổi dậy cùng tham dự hội nghị sẽ mở đường cho một giải pháp giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này thông qua đối thoại chính trị. Hội nghị lần này được xem là sự kiện tiếp nối Hội thảo quốc tế năm 2012, cũng diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ); khi đó một lộ trình hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria đã được vạch ra nhưng chưa bao giờ được thực hiện.

Hiện tại, điều mà dư luận trông đợi là hai bên đối địch trong cuộc nội chiến ở Syria phải xây dựng được lòng tin mới có thể đạt được sự khai thông. Thế nhưng, điều này không dễ thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Ngày 26-5, ông Louay Safi, thành viên cấp cao SNC, tuyên bố phe đối lập sẵn sàng tham gia các cuộc thương lượng nhằm chuyển giao quyền lực cho người dân, song nhấn mạnh Tổng thống Bashar Al-Assad "không thể là một phần của Syria trong tương lai" và bất cứ giải pháp nào cũng phải loại trừ nhà lãnh đạo này. Trong khi đó, Tổng thống Bashar Al-Assad lại khẳng định sẽ không có đối thoại với phe "đối lập", bởi tại Syria không có một phe đối lập thống nhất để chính phủ có thể đối thoại. Trước đó, Damascus từng nhiều lần nhấn mạnh, chỉ người dân Syria mới có thể quyết định về hình thái của chính phủ thông qua bỏ phiếu.

Trong lúc các bên đang cân nhắc bước đi để đến Geneva thì xung đột tại Syria tiếp tục lan rộng. Trong một diễn biến mới, ngày 26-5, quân đội chính phủ đã tiếp tục giành ưu thế tại thị trấn chiến lược Al-Qussair và tiêu diệt 50 tay súng nổi dậy. Quân đội chính phủ đã chiếm lại toàn bộ cửa ngõ phía đông thị trấn và tuyến đường nối sân bay quân sự Al-Dabaa với thị trấn, cắt đứt đường tiếp tế của quân nổi dậy. Các nguồn tin thân cận với Phong trào Hezbollah, nhóm vũ trang của người Hồi giáo Shi'ite tại Lebanon, cho biết quân Chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của các tay súng Hezbollah đã giành quyền kiểm soát 80% thị trấn Al-Qussair giáp giới Lebanon. Đến nay, hơn 90.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột tại Syria. Lo ngại về tình trạng này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon một lần nữa bày tỏ "quan ngại sâu sắc"; đồng thời kêu gọi tất cả các nước và các nhóm chấm dứt hậu thuẫn các bên ở Syria nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng trong khu vực.

Hiện tại, khó có thể cho rằng kịch bản Syria sẽ kết thúc với kết quả như thế nào. Nếu tình trạng xung đột tiếp diễn, việc mất kiểm soát an ninh tại Syria sẽ đe dọa tới toàn bộ khu vực. Giới quan sát đang trông đợi với ảnh hưởng của hai siêu cường Nga - Mỹ, Hội nghị quốc tế về Syria sắp tới có thể giúp chấm dứt bạo lực, tiến tới hòa giải dân tộc với sự tham gia của người dân Syria. Thế nhưng, hy vọng đó là hết sức mong manh trong bối cảnh hiện nay.

Trung Hiếu