Hệ thống giám sát tài chính: Đông nhưng không mạnh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:04, 28/05/2013
Hệ thống giám sát tài chính tại Việt Nam chưa bắt kịp với thế giới. Ảnh: Như Ý |
Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát hệ thống tài chính quốc gia, trực thuộc các cơ quan chủ quản khác nhau như: Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, cơ quan thanh tra - giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, để bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia và tránh những vụ đổ vỡ gây thiệt hại nghiêm trọng, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia nói chung, nhà đầu tư nói riêng cần một hệ thống GSTC đủ mạnh.
Tại cuộc tọa đàm về "Cấu trúc GSTC Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách" do UBGSTCQG tổ chức trung tuần tháng 5-2013 tại Hà Nội, các chuyên gia đã nêu nhiều khuyến nghị về vấn đề này. TS Nguyễn Đại Lai, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng (NHNN) cho biết, thời điểm thành lập năm 2008, UBGSTCQG có chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, giám sát hợp nhất hoạt động của các tập đoàn tài chính...
Tuy nhiên, về chức năng, nhiệm vụ, cơ quan này chỉ được làm việc theo cơ chế tham mưu, tư vấn và kiến nghị các cơ quan thực hiện đúng quy trình, cơ chế giám sát. Ủy ban không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Với thực tế thị trường tài chính hiện nay đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện vị thế pháp lý và quyền lực cho UBGSTCQG. Cơ quan này phải trực thuộc Chính phủ, được ban hành các văn bản pháp lý và có quyền can thiệp vào việc tăng cường chất lượng, năng lực của bộ máy tổ chức, nhân sự cấp cao của các cơ quan thanh tra, giám sát chuyên ngành trong thị trường tài chính.
PGS-TS Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng chia sẻ, theo kinh nghiệm tại nhiều quốc gia, mô hình giám sát phân tán theo thể chế thường được áp dụng tại những quốc gia chưa phát triển, quy mô thị trường tài chính còn nhỏ. Xu hướng chuyển dần từ mô hình giám sát phân tán sang mức độ khác nhau của mô hình giám sát hợp nhất đang ngày càng rõ hơn. Các nước trên thế giới đã cải tổ mạnh cấu trúc giám sát theo hướng tập trung chức năng giám sát thị trường tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm vào một đơn vị duy nhất. Vì vậy, trong tương lai nên hình thành một cơ quan GSTC theo mô hình hợp nhất tại Việt Nam. Để thực hiện, nên phát triển UB GSTCQG trở thành bộ phận quản lý nhà nước trong hoạt động GSTC cùng với việc củng cố các cơ quan giám sát chuyên ngành. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện những quy định mang tính pháp lý về hoạt động dành cho UBGSTC QG nhằm tạo điều kiện cho cơ quan này thực hiện chức năng giám sát.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra cơ quan thanh tra, giám sát (NHNN), nên tăng cường phối hợp giữa các cơ quan GSTC hiện nay thay vì đề xuất thống nhất thành một mối. Trên thị trường tài chính, việc theo dõi sự trung chuyển của dòng tiền rất quan trọng với các cơ quan GSTC quốc gia. Để thực hiện, cơ quan thanh tra, giám sát NHNN đã có sự phối hợp với UBCKNN để theo dõi dòng tiền trung chuyển trên thị trường.
Nhằm nâng cao năng lực của hệ thống GSTC, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan giám sát. Việc thống nhất các cơ quan hiện nay về một mối sẽ phát sinh nhiều vấn đề như phân công trách nhiệm, thậm chí phải sửa cả một số văn bản luật để thực hiện. Đồng quan điểm này, TS Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, Tập đoàn Đầu tư và phát triển Việt Nam cho rằng, thay vì hợp nhất các cơ quan giám sát, cần củng cố, chấn chỉnh lại từng cơ quan quản lý, giám sát chuyên ngành hiện có và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia. Khi các cơ quan phối hợp chặt chẽ, những dấu hiệu bất thường trên thị trường tài chính sẽ sớm được phát hiện và xử lý, góp phần bảo đảm cho hệ thống tài chính quốc gia vận hành an toàn, hiệu quả.