Xung lực mới cho quan hệ cũ
Thế giới - Ngày đăng : 06:57, 27/05/2013
Chuyến công du đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản tới Myanmar kể từ năm 1977 đến nay không chỉ cho thấy bước tiến mới trong quan hệ hai nước mà còn chứng tỏ Myanmar ngày càng chiếm vị trí đặc biệt tại khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Myanmar Thein Sein. |
Diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã có những chuyến công du tương tự sau khi một chính phủ dân sự trên danh nghĩa được thành lập ở Naypyidaw năm 2011, tìm kiếm vị thế cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại quốc gia Đông Nam Á là mối quan tâm lớn nhất của nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc. Không giống các nước đồng minh phương Tây, Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ thương mại và đối thoại với Myanmar trong những năm chính phủ quân sự nắm quyền ở đất nước này với lập luận rằng, áp dụng lập trường cứng rắn với Myanmar cũng đồng nghĩa với việc đẩy Naypyidaw tiến sâu hơn vào quỹ đạo ảnh hưởng truyền thống của quốc gia khác. Còn trong thời điểm hiện tại, có vô vàn lý do khiến quan hệ Nhật Bản và Myanmar có những triển vọng tốt đẹp. Đặc biệt khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chủ yếu dựa vào xuất khẩu không muốn bỏ lỡ những cơ hội mới tại đất nước giàu tài nguyên như Myanmar để thúc đẩy sự phát triển vốn đang trì trệ của mình.
Tiến trình cải cách dân chủ được chính phủ của Tổng thống Thein Sein bắt đầu từ năm 2011 đến nay đã biến xứ sở Ngọc bích từ một quốc gia khép kín thành một thị trường giàu tiềm năng mời gọi các nhà đầu tư khắp thế giới. Với mức tăng trưởng vào hàng cao nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - ở mức 6% vào năm 2012 - thị trường lao động giá rẻ với dân số hơn 65 triệu người của Myanmar chưa được khai thác hết trở thành lợi thế cạnh tranh khiến các doanh nghiệp Nhật Bản không thể bỏ qua. Số liệu thống kê năm 2012 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, có tới 4.000 giám đốc điều hành từ Nhật Bản đến Myanmar mỗi tháng để xúc tiến các hoạt động đầu tư thương mại. Các thông số chính thức khác cũng cho thấy, kim ngạch thương mại song phương Nhật Bản - Myanmar năm 2012 đạt hơn 1,4 tỷ USD. Trong đó đầu tư của Nhật Bản vào Myanmar kể từ khi nước này mở cửa vào cuối năm 1988 đến tháng 3-2013 lên đến 270,283 triệu USD, đứng thứ 11 trong số các nước đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này. Nhật Bản hiện là chủ nợ lớn nhất của Myanmar, với số tiền lên tới gần 5 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 1970 đến tháng 4-2012.
Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Shinzo Abe và phái đoàn gồm lãnh đạo của gần 40 tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản lại chọn đặc khu kinh tế Thilawa ở phía nam cố đô Yangon làm điểm đến trong chuyến công du này. Không chỉ là nơi các tập đoàn hàng đầu như Marubeni hay Sumitomo đang "để mắt", Chính phủ Nhật Bản còn dự định sẽ chi 12,6 tỷ USD trong nhiều năm để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng quanh Thilawa. Myanmar dự kiến sẽ hoàn thành khu công nghiệp đầu tiên rộng 450ha trong năm 2015 để thu hút các công ty Nhật Bản và thế giới. Cho rằng đặc khu kinh tế Thilawa là biểu tượng hợp tác song phương, cả Nhật Bản và Myanmar đều tin tưởng sự thành công trong việc phát triển đặc khu kinh tế này là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước, tạo cơ hội việc làm lớn và cung cấp công nghệ cao cho người dân địa phương.
Với cam kết sẵn sàng giúp Myanmar phát triển cơ sở hạ tầng từ các lĩnh vực xây dựng nhà máy nhiệt điện, mạng lưới viễn thông tốc độ cao, đến nhà máy cung cấp nước sạch cũng như hệ thống pháp lý của quốc gia này, Thủ tướng Shinzo Abe vừa tạo thêm xung lực mới trong quan hệ hai nước. Những cam kết mới nhất đã nối tiếp cho chính sách Myanmar được bền bỉ thực hiện qua nhiều chính phủ ở xứ Phù Tang từ năm 1960 đến nay. Bên cạnh đó, việc thắt chặt hơn nữa quan hệ với Myanmar cũng đặt thêm một dấu ấn tốt đẹp trong kế hoạch mở rộng quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và củng cố vai trò của cường quốc số hai Châu Á ở khu vực năng động và chiến lược này.