Cần bảo đảm chặt chẽ, an toàn
Đời sống - Ngày đăng : 06:45, 27/05/2013
Tạm giữ phương tiện không phải mục đích của hành vi xử phạt, về lâu dài sẽ khiến số lượng phương tiện giao thông (GT) bị tạm giữ nhiều lên, gây khó khăn cho việc cất giữ, bảo quản... Vì vậy, tôi rất ủng hộ quan điểm của Bộ Công an đề xuất đưa vào dự thảo quy định cho phép bảo lãnh phương tiện vi phạm GT. Tất nhiên, không phải đối tượng nào, loại vi phạm nào cũng được giao tự bảo quản phương tiện, mà chỉ nên là những lỗi nhẹ như chạy quá tốc độ, sai làn đường… Người vi phạm phải là chủ phương tiện, có địa chỉ rõ ràng, nhân thân tốt, có nơi bảo quản, trông giữ phương tiện, phải đặt cọc một khoản tiền và bị giữ giấy tờ xe hoặc giấy phép lái xe… Quy định như vậy sẽ giảm được tình trạng quá tải kho bãi, mất cắp phụ tùng, thiết bị hoặc hư hỏng phương tiện.
Ông Lê Cao Kiện (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai): Phương tiện bị tạm giữ hư hỏng, mất mát thiết bị...
ai chịu?
Tôi rất ủng hộ dự thảo với nội dung các điểm trông giữ phương tiện thu giữ phải có mái che mưa nắng và các điều kiện khác để bảo đảm về tính nguyên vẹn của phương tiện. Hiện nay chưa có được kho, bãi lưu giữ xe với những điều kiện cần và đủ, tôi nghĩ ban soạn thảo nghị định cần quan tâm bổ sung chế tài nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý các điểm trông giữ phương tiện. Bởi người điều khiển phương tiện khi vi phạm GT đã bị xử phạt hành chính bằng tiền, phương tiện bị tạm giữ vẫn là tài sản của họ. Nhiều điểm trông giữ xe đã có phần buông lỏng quản lý, để xảy ra mất mát phụ tùng, thiết bị… là xâm phạm tới quyền lợi chính đáng, gây thiệt hại tài sản của công dân. Nếu chủ tài sản sau khi hoàn thiện các thủ tục, nộp phạt hành chính, nộp tiền bến bãi đầy đủ, nhưng khi nhận lại xe của mình không còn nguyện vẹn thì đơn vị quản lý điểm trông giữ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ phương tiện.
Anh Đỗ Minh Hiếu, phường Yết Kiêu (Hà Đông): Thủ tục thanh lý xe vô chủ cần thông thoáng hơn
Các xe vi phạm bị lưu giữ lâu ngày chủ yếu là xe không rõ nguồn gốc, mất giấy tờ… nên chủ phương tiện đã "bỏ của chạy lấy người". Theo tôi, dù phương tiện bị tạm giữ, tịch thu có được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, không bị phơi nắng mưa, bụi bặm, nhưng trong tình trạng lâu ngày không vận hành thì vẫn bị hư hỏng, rất lãng phí. Theo quy định của pháp luật, nếu hết thời hạn tạm giữ mà không thấy chủ phương tiện đến nhận, cơ quan chức năng phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể hoàn thành các thủ tục thanh lý, bán đấu giá số xe vô chủ thì lúc đó xe đã gần như thành "đống sắt gỉ". Vậy nên, giải pháp tốt nhất là phải rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục thanh lý đối với các xe vô chủ. Như vậy vừa đỡ lãng phí tài sản của xã hội, vừa có nguồn kinh phí để thanh toán tiền kho, bãi...
Anh Nguyễn Văn Nam, xã Hòa Thạch (Quốc Oai): Đạt được nhiều mục đích
Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất giao phương tiện GT cho chính tổ chức, cá nhân vi phạm tự giữ, bảo quản qua hình thức bảo lãnh, tôi thấy rất mừng. Đề xuất này khi triển khai sẽ đạt được nhiều mục đích bởi không chỉ bảo quản tốt hơn tài sản cho người dân, tránh tiêu cực, mà Nhà nước cũng đỡ chi phí chi trả cho việc tổ chức trông nom, bảo vệ. Tuy nhiên, đối với những trường hợp xe ăn cắp, xe không chứng minh được nguồn gốc, xe gây tai nạn thì vẫn phải tạm giữ để phục vụ công tác điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Bùi Quốc Hùng, phường Mai Động (Hoàng Mai): Liệu xe vi phạm có thực sự được bảo quản?
Đề xuất mới đây của Bộ Công an: "Phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn. Nơi tạm giữ phương tiện vi phạm GT phải bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường..." không phải là mới. Bởi tại khoản 1, Điều 3, Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24-7-2006 quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính đã quy định rõ điều này. Nhưng một vấn đề phát sinh là lấy đâu ra kinh phí để xây dựng các điểm trông giữ phương tiện vi phạm bảo đảm có đủ các điều kiện như dự thảo nêu? Theo tôi, cần cân nhắc kỹ trước khi xây dựng các điểm trông giữ xe, đồng thời nên bỏ chế tài tạm giữ phương tiện, mà chỉ cần giữ giấy tờ xe đối với những vi phạm phổ biến như chạy quá tốc độ, lấn làn đường, đi ngược chiều... mới tạo thuận lợi cho cả hai bên.