Bước đột phá trong điều trị ung thư phổi

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:12, 27/05/2013

(HNM) - Mỗi năm Việt Nam có thêm 20 nghìn ca ung thư phổi mới được phát hiện và 17 nghìn người tử vong vì căn bệnh này. Giống như tình trạng chung trên thế giới, số người mắc ung thư nói chung, ung thư phổi nói riêng ở nước ta đang gia tăng.


Nhưng khác xa các nước tiên tiến, khoảng cách giữa số ca mắc mới và số ca tử vong ở nước ta hẹp hơn rất nhiều, đồng nghĩa với việc kết quả chẩn đoán, điều trị không cao, mà nguyên nhân chính là do người bị ung thư thường được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Làm thế nào để phát hiện sớm?

Theo PGS-TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, trên thế giới, ung thư phổi (UTP) là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở cả nam và nữ. Còn ở Việt Nam, căn bệnh này đứng thứ hai sau ung thư gan. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tỷ lệ mắc mới và tử vong vì UTP ở nước ta đều tăng cao. Lý do, các ca bệnh đều được phát hiện muộn, phần vì ngành y tế chưa có một chiến lược phát hiện sớm ung thư, phần nữa vì người bệnh thiếu ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, nhất là việc tầm soát căn bệnh nguy hiểm này.

Chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ mang lại hiệu quả cao cho người mắc bệnh ung thư phổi. Ảnh: Hữu Oai



GS bác sĩ Filippo De Marinis, Giám đốc đơn vị ung thư - hô hấp thuộc BV San Camillo & Forlanini (Italia) cho biết, ở các nước, ví dụ như ở Mỹ, ngành y tế đã tổ chức rất có hiệu quả việc sàng lọc, chẩn đoán sớm cho những người có nguy cơ cao. Những người hút thuốc, người trên 50 tuổi hay người mà gia đình có tiền sử bệnh ung thư được theo dõi kỹ càng nên thường được phát hiện bệnh khi khối u nhỏ. Với những trường hợp này, liệu pháp điều trị thường là phẫu thuật cắt bỏ khối u và 80% số bệnh nhân sẽ kéo dài tuổi thọ trên 5 năm. Trong khi đó, nếu bệnh đã di căn, việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều, tốn thời gian, tiền của và công sức nhưng hiệu quả lại không cao, thời gian sống thêm của người bệnh chỉ khoảng 1 năm.

Trong khi những biểu hiện của bệnh UTP thường hay bị lẫn với các loại bệnh phổi khác nên người bệnh chủ quan bỏ qua, thậm chí không phải bác sĩ nào cũng phát hiện, chẩn đoán chính xác để chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa thì làm thế nào để phát hiện sớm bệnh, từ đó giảm ca tử vong? Theo các chuyên gia, phải có chiến lược phát hiện sớm ung thư, từ đó có trang thiết bị phù hợp cho các cơ sở y tế, có đội ngũ cán bộ y tế đủ trình độ để phát hiện sớm người bị bệnh. Tuy nhiên, theo PGS-TS Mai Trọng Khoa, các điều kiện ấy là "cần" nhưng chưa "đủ" và quan trọng là phải làm thế nào để cho mỗi người dân hiểu được giá trị của việc phát hiện sớm bệnh. Điều này dường như là "mảng tối" trong công tác truyền thông về ung thư nói chung, UTP nói riêng ở nước ta trong nhiều năm qua. Nếu mỗi người có ý thức khám sức khỏe định kỳ, người có nguy cơ cao quan tâm tới việc kiểm tra xem liệu mình có thể và đã mắc bệnh hay chưa thì lợi ích mang lại cho cá nhân và cộng đồng rất lớn. PGS-TS Mai Trọng Khoa cho biết, hiện nước ta có rất nhiều kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm để phát hiện sớm bệnh, chỉ cần người dân có ý thức về việc này và đến cơ sở y tế từ sớm hoặc thăm khám định kỳ.

Làm gì khi phát hiện muộn?


Thống kê của Globocan (Tổ chức y tế nghề nghiệp Globocan) cho biết, UTP chiếm 13% tổng số ca bệnh mới được chẩn đoán và 18,2% ca tử vong trong biểu đồ các bệnh ung thư trên toàn cầu. Là bệnh phổ biến, nguy hiểm với số người mắc tăng và tỷ lệ tử vong cao, song với sự phát triển của y học hiện nay, người mắc bệnh có khả năng kéo dài sự sống với chất lượng sống cao hơn. Tùy thuộc vào thời điểm phát hiện, tình trạng bệnh, thậm chí là gen của mỗi người bệnh mà có phương pháp điều trị phù hợp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Ngoài các phương pháp truyền thống, trên thế giới hiện đang áp dụng phương pháp thuốc nhắm trúng đích nghĩa là dùng thuốc có phần tử nhỏ có khả năng đi qua màng tế bào, chỉ tác động vào tế bào ung thư, ngăn cản quá trình phát triển của nó…

Trong khi chưa thể một sớm, một chiều làm thay đổi thực trạng phát hiện UTP vào giai đoạn muộn của phần lớn người bệnh, các chuyên gia y tế Việt Nam đã cố gắng tiếp cận và làm chủ những phương pháp điều trị tiên tiến của thế giới để kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Bởi thế, hội thảo "Bước đột phá trong điều trị bước một UTP không tế bào nhỏ có đột biến hoạt hóa EGFR" do BV Bạch Mai và Công ty Hoffmann La Roche phối hợp tổ chức tại Hà Nội gần đây đã thu hút sự tham gia của nhiều bác sĩ chuyên khoa. Tại đây, các bác sĩ đã trao đổi thông tin về bước đột phá trong điều trị bước một UTP không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa hoặc di căn có đột biến hoạt hóa EGFR. Theo PGS-TS Mai Trọng Khoa, cách điều trị hướng tới từng cá thể này không chỉ hiệu quả hơn, an toàn hơn bởi ít mang đến những tác động phụ cho người bệnh như thiếu máu, giảm đề kháng, xuất huyết… mà còn kinh tế hơn và đây được coi là bước đột phá trong cuộc chiến với căn bệnh UTP.

Trúc Linh