Cần tăng cường quản lý chất lượng thị trường đồ chơi trẻ em

Kinh tế - Ngày đăng : 05:58, 27/05/2013

(HNM) - Đồ chơi trẻ em nhập ngoại hiện chiếm khoảng 90% thị phần do giá rẻ, mẫu mã, chủng loại đa dạng. Tuy nhiên, ẩn sau đó là những nguy cơ về chất độc hại gây nguy hiểm cho sự phát triển của trẻ.

Thị trường đồ chơi trẻ em vốn rất nhộn nhịp trên các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Cân, Lương Văn Can… (quận Hoàn Kiếm), lại càng trở nên sôi động khi Ngày Quốc tế thiếu nhi sắp tới. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường đồ chơi có nhiều sản phẩm không đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi. Tình trạng đồ chơi nhiễm độc tố, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ; đồ chơi nhập khẩu không có chứng nhận hợp quy, không ghi nhãn mác... trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường vẫn khá phổ biến. Từ giữa tháng 5 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp cùng Đội cảnh sát kinh tế và Đội cảnh sát môi trường (Công an quận Hoàn Kiếm) đã thu giữ hơn 8.000 đồ chơi tại các điểm kinh doanh. Hàng hóa thu giữ gồm vỉ siêu nhân, con thú chuyển động, mặt nạ nhựa, kiếm, lựu đạn nhựa… Hầu hết đồ chơi này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhập lậu vào Việt Nam để bán trong dịp 1-6 sắp tới. Các chủ kinh doanh khai, do mua sản phẩm đồ chơi trôi nổi trên thị trường nên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Ảnh: Dân trí


Theo một số kết quả giám định của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), hầu hết đồ chơi bằng nhựa của Trung Quốc như súng, gươm, lựu đạn, lồng đèn… đều được làm bằng nhựa tái chế APS và nhựa PE, trong đó có chứa chất cadimi (Cd) cao gấp nhiều lần mức cho phép. Đây là một trong ba kim loại độc hại nhất đối với cơ thể con người, có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi. Đáng chú ý, kết quả khảo sát chất lượng đồ chơi thú nhún làm bằng nhựa dẻo của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng) tại 37 cơ sở trên toàn quốc, đã phát hiện hàm lượng chất Phthlates cao gấp 5-9 lần tiêu chuẩn hiện hành của thế giới, có nguy cơ gây vô sinh và ung thư rất cao. Nguy hiểm nhất là trẻ thường vừa chơi vừa ngậm đồ chơi nên mức độ nhiễm độc càng cao.

Hầu hết các sản phẩm bán chạy trên thị trường đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Dù thông tin đồ chơi loại này có chứa chất độc hại đã được nhiều người biết đến, nhưng vì giá rẻ, lại đa dạng về chủng loại, màu sắc bắt mắt nên vẫn thu hút nhiều người mua. Cùng một loại đồ chơi, nếu mang thương hiệu Châu Âu, Mỹ, hoặc từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, giá thành sẽ cao gấp 10-15 lần.

Tại những cuộc hội thảo liên quan đến đồ chơi trẻ em, nhiều chuyên gia hóa chất đều khẳng định, về công nghệ, doanh nghiệp (DN) trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất đồ chơi an toàn, đạt chuẩn quy định. Tuy nhiên, theo ý kiến từ các DN sản xuất đồ chơi, để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh cần có chiến lược phát triển đồng bộ, đồng thời kiên quyết chống hàng nhập lậu. Như vậy, mới có thể kiểm soát được hàm lượng những hóa chất gây độc trong đồ chơi trẻ em.

Được biết, các bộ, ngành chức năng đang chuẩn bị triển khai đợt thanh tra trên diện rộng về chuyên đề chất lượng, tiêu chuẩn và sở hữu công nghiệp đối với đồ chơi trẻ em nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với đồ chơi trẻ em trên toàn quốc. Từ nay đến tháng 6 - tháng cao điểm hành động vì trẻ em, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ buôn lậu, vận chuyển đồ chơi nhập lậu, nhất là những loại đồ chơi mang tính bạo lực. Những việc làm này là rất cần thiết, nhưng không nên thực hiện theo đợt, mà cần được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Thanh Hiền