“Làng đi chợ đêm”
Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 26/05/2013
Nông dân HTX Rau an toàn Tiền Lệ thu hái rau chuẩn bị cho một chuyến hàng vào nội thành Hà Nội. Ảnh: Đỗ Chí |
Mới tờ mờ sáng, cánh đồng rau sạch thôn Tiền Lệ đã tấp nập người ngược xuôi. Ở mỗi một thửa ruộng, người dân thắp một hai bóng đèn điện, tạo nên một khung cảnh mờ mờ, ảo ảo dưới lớp sương mỏng lung linh và đẹp mắt. Chị Cao Đắc Dậu, 41 tuổi nói: "Thế hệ ông bà, cha mẹ tôi cũng đã trồng rau ở đất Tiền Lệ. Gắn bó với rau, dù mệt nhọc nhưng đem lại nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học". Chị Dậu theo mẹ trồng rau từ nhỏ, dáng nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn và tháo vát. Vừa trò chuyện, chị Dậu vừa thoăn thoắt chất những bó rau lên chiếc xe máy cũ để chuẩn bị cho một chuyến hàng đổ buôn trong ngày ở chợ Xanh (Từ Liêm). "Vì là đổ buôn cho các chợ rau nội thành nên chúng tôi phải dậy từ sớm để đi cho kịp mối hàng. Dẫu vất vả, mất ngủ thường xuyên, song lao động vào ban đêm cũng đỡ mất sức hơn ban ngày, nhất là trong những ngày nắng nóng như thế này" - Chị Dậu chia sẻ.
Nghề trồng rau của người Tiền Lệ choán hết thời gian trong ngày. "Mặt trời chưa ló rạng thì chở rau đi tiêu thụ; ban ngày thì trồng tỉa, chăm sóc và thu hoạch có khi đến 7-8 giờ tối mới rời ruộng. Về nhà chưa được nghỉ ngơi, ăn cơm tối vội vàng xong là lại bắt tay ngay vào việc sơ chế, đóng gói cho một chuyến hàng trong ngày mới" - chị Nguyễn Thị Phương, chuyên bán hàng ở chợ Hoa Sen, khu Giảng Võ tâm sự. Công việc vất vả, lam lũ, nhưng với họ, những người nông dân "một nắng hai sương" được gắn bó với ruộng đồng để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương là niềm vui, là niềm tự hào.
Cuộc sống về đêm của những nông dân Tiền Lệ, những tâm tư, tình cảm của họ, không phải ai cũng biết tới, cũng tận tường. Anh Trần Văn Luật, xã viên của HTX Rau an toàn Tiền Lệ cho biết: "Mỗi một chuyến chở hàng đi chợ, chúng tôi thường đóng gói trên dưới 2 tạ, cá biệt có người chở đến 4 tạ. Trong làng, những người cùng đi chợ thường giúp nhau mỗi khi gặp sự cố như hỏng xe để kịp chuyến hàng". Chị Nguyễn Thị Hoàn, xã viên HTX Rau an toàn Tiền Lệ, có khoảng 1.000m2 trồng rau cải ngồng. Thoạt nhìn, tưởng chị là một phụ nữ "chân yếu tay mềm", thế nhưng, khi được nghe những lời tâm sự mới biết, họ là những người phụ nữ cứng rắn và biết vượt lên chính mình. Chị Hoàn cho biết, thời điểm thu hoạch rộ thửa ruộng 1.000m2 cải ngồng, ngày nào cũng vậy, trên chiếc xe máy cà tàng nhưng được nai nịt rất cẩn thận, chị chuyên chở bình quân 3,5 tạ rau/chuyến (có thời điểm lên đến 4,2 tạ) vào chợ Văn Quán (Hà Đông) để tiêu thụ. "Dù đi rất sớm nhưng 11 năm nay tôi chưa gặp gì trắc trở. Tuy nhiên, là phụ nữ vừa phải chuyên chở nặng, chạy đường dài lại phải đi từ sớm nên nhiều khi cũng ái ngại. Nhưng "buôn có bạn" anh ạ!”.
Theo Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Tiền Lệ Nguyễn Danh Tâm, thôn Tiền Lệ có 900 hộ gia đình có nghề trồng rau thì trong đó có khoảng 3.000 lao động trực tiếp làm nghề. Hằng ngày, cứ mỗi buổi sáng sớm, có khoảng 200 người đi bán sỉ và bán lẻ ở các chợ đầu mối nông sản như chợ Văn Quán (Hà Đông), chợ Mai Dịch, chợ Xanh (Từ Liêm), chợ Song Phương (Hoài Đức)... Là người gắn bó với những nông dân trồng rau nhiều năm qua, ông Tâm rất trăn trở nghề trồng rau, nhất là việc tiêu thụ. "Cần quy hoạch các chợ đêm nói riêng và các chợ rau nói chung để không ảnh hưởng tới giao thông, người dân cũng thuận lợi cho việc trao đổi, mua bán. Mặt khác, chợ rau được quy hoạch sẽ không còn cảnh bị ô nhiễm bởi rác rưởi mỗi sớm mai khi người dân thành phố bắt đầu một ngày mới" - Ông Tâm kiến nghị.