Lắng hồn chợ cổ Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 06:21, 26/05/2013
Chợ đồ cổ Lê Công Kiều. |
Lặng lẽ và cổ kính
Không rõ chợ hình thành khi nào nhưng hầu như chợ được họp mỗi ngày với cái lặng lẽ, riêng biệt và có phần cổ kính, khác hẳn với nhịp sống sôi động thường nhật ở chốn đô thành phương Nam. Đặc biệt, mấy năm gần đây, nhiều hộ kinh doanh đồ cổ ở Hà Nội cũng đã chuyển vào TP Hồ Chí Minh làm ăn, mang theo nghề truyền thống của gia đình. Chính bởi nhiều người Hà Nội, người Bắc chuyên kinh doanh đồ cổ sống tập trung với nhau nên con phố Lê Công Kiều đã trở thành một "phố đồ cổ" được nhiều người biết đến.
Chợ đồ cổ Lê Công Kiều buôn bán đủ thứ mặt hàng, từ đồ cổ, đồ giả cổ, hàng lưu niệm, đồ gốm sứ đến đồ thủ công mỹ nghệ… với mức giá từ bình dân đến cao cấp. Người sành chơi đồ cổ ở TP Hồ Chí Minh hầu như thuộc làu làu những "đặc sản" của các tiệm đồ cổ ở đây. Trò chuyện với chúng tôi, một người bán đồ cổ dạo trên phố - bà Đào Thị Hợp (53 tuổi, quê ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) tỏ ra rành rẽ khu vực chợ: "Muốn tìm đồ gốm sứ, đồ cổ thì cứ tới các tiệm số 19, 21, 23. Muốn mua các loại bàn ghế, tủ, trường kỷ kiểu cổ có thể tìm ở các tiệm 15, 36; Đồ sơn mài, đồ gỗ thì ở ngay tiệm số 48…". Bà Hợp bảo, trước đây gia đình bà có một cửa hàng kinh doanh đồ cổ tại phố Hàng Mã, buôn bán cũng gọi là có đồng ra đồng vào, nhưng cũng chỉ được dăm ba ngày Tết. Trước khó khăn này, bà quyết định đem theo nghề gia truyền vào phương Nam. Ở TP Hồ Chí Minh, nếu chịu khó bán dạo, chưa kể đến các khách quen đặt trước, mỗi ngày bà cũng bán được dăm món đồ cổ có giá trị cho khách du lịch. "Có ngày, chả bán được món nào nhưng cái nghề nó vậy, phải tùy duyên. Thế nên chỉ cần bán được một vài món là sống khỏe cho cả tuần rồi" - bà Hợp cười tươi.
Anh Lê Mỹ Hảo, người gốc Hà Nội, dọn vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và kinh doanh đồ cổ ở phố này (chủ cửa hàng số 48) từ năm 1992 đến nay. Hảo kể, chợ đồ cổ Lê Công Kiều thường mở cửa muộn (khoảng 8h30 - 9h), nhưng cũng chỉ khoảng 17h là có người rục rịch dọn hàng, trễ lắm đến 19h. "Thời cực thịnh của thị trường đồ cổ ở đây là vào những năm 2006 kéo dài đến năm 2010. Thú chơi đồ cổ kén khách và tùy duyên của người mua với người bán nữa" - anh Hảo tâm sự.
Không riêng anh Hảo, nhiều người kinh doanh đồ cổ ở Hà Nội hay miền Bắc cũng dừng chân ở phố Lê Công Kiều để duy trì nghề gia truyền, như anh Kim (số 68 Lê Công Kiều), anh Tài cao (số 70 Lê Công Kiều), cùng là người Hà Nội. Ngoài ra, anh Vũ Xuân Trung (số 17), anh Trường (số 72), anh Xương (số 20), anh Tuân đèn (số 62) cũng đều có gốc gác ngoài Bắc. Mà người miền Bắc khi làm nghề này thường có nhiều tài lẻ. Như anhh Vũ Xuân Trung, ngoài buôn bán đồ cổ còn kiêm luôn cả vẽ tranh sơn mài. "Tôi thích môi trường sống ở đây vì gần như nó tách biệt khỏi những xô bồ và đặc biệt, ở đây rất trật tự, đàng hoàng" - anh Trung nói và cho hay, con phố này tuy chỉ nhỏ như "mắt kiến" (dài khoảng 200m) nhưng đã từng đón nhiều chính khách nổi tiếng tới thăm như Tổng thống Mỹ, Nữ hoàng Đan Mạch… Chính bởi những điểm đặc biệt này mà nhiều năm trước, ở thời cực thịnh, phố Lê Công Kiều được các du khách quốc tế biết đến và nhiều hộ buôn bán đồ cổ ở đây cũng ăn nên làm ra.
Chợ đồ cổ mấy năm gần đây thưa khách dần, nhưng nhiều chủ tiệm vẫn quyết giữ nghề gia truyền của mình. |
Thú chơi phải "hợp duyên"
Ông Trần Đình Sơn (64 tuổi, gốc Huế) là nhà sưu tập và nghiên cứu nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh kể, thời trai trẻ khi vào đây học, ông có cơ duyên kết thân với cụ Vương Hồng Sển, là một chuyên gia về đồ cổ ở Nam bộ lúc bấy giờ. Khi rảnh rỗi, ông thường làm tài xế chở cụ Vương đi săn tìm cổ vật ở các con phố, trong đó có chợ trời Hàm Nghi, nay ở đường Lê Công Kiều. Có một kỷ niệm mà ông Sơn nhớ mãi là vào khoảng năm 1973, ông đi theo cụ Vương đến tiệm buôn đồ cổ của ông Hoàng Văn Chánh. Lúc đó, cụ Vương chú ý nhất tới một ống đựng tranh bằng sứ hình bát giác rất quý và hiếm. Trên ống có viết bài thơ ngũ ngôn cổ phong chữ Hán. Cả hai đều rất thích nhưng chủ tiệm đòi giá tới 500.000 đồng, mà lúc đó giá vàng mới 8.000 đồng/lượng. Mức giá kinh hồn này khiến cả hai đều tiếc nuối ra về. Sau ngày miền Nam được giải phóng, ông Sơn có đôi lần quay lại tiệm đồ cổ khi xưa nhưng hay tin ông chủ tiệm đã gom góp những món đồ quý giá mang qua Pháp, trong đó có chiếc ống đựng tranh bằng sứ.
Cùng có thú chơi đồ cổ, ông Đặng Viết Lâm (61 tuổi, gốc Bạc Liêu) cho biết, trước khi sang Mỹ định cư vào năm 1992, ông từng qua khu chợ trời Hàm Nghi nhiều lần để cố gắng tìm một số đồ cổ truyền thống ở đây đem sang làm quà cho bạn bè, người thân. Năm nay, khi về thăm quê hương, ông đã trở lại chợ cũ nhiều lần nhưng chỉ tìm thêm được một số món ưng ý. "Chợ bây giờ thấy yên ắng quá, người mua cũng thưa thớt mà những đồ quý giá cũng không còn nhiều" - ông Lâm nói vẻ tiếc nuối.
Theo những chủ tiệm ở đây, từ năm 2010 đến nay thì chợ đồ cổ Lê Công Kiều thưa khách dần do kinh tế tụt dốc. Vì vậy, cả người bán lẫn người mua đều phải là những người rất đam mê và yêu thích đồ cổ mới trụ được đến hôm nay.