Chưa nên quá lo chuyện giảm phát

Kinh tế - Ngày đăng : 06:01, 26/05/2013

(HNM) - Ngày 25-5, bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có cuộc trao đổi với báo giới về các vấn đề kinh tế của đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trả lời báo giới.


- Thưa Phó Thủ tướng, hai trong số ba yếu tố để nói về việc nền kinh tế đang ở trong tình trạng thiểu phát là CPI giảm tháng thứ 3 liên tiếp và thị trường tài chính tiền tệ rất trì trệ. Phó Thủ tướng nhận xét như thế nào về điều này?

- Đánh giá thiểu phát phải có tiêu chí, CPI giảm thì phải xem nguyên nhân chủ yếu từ đâu. Ở đây, CPI của ta giảm phần lớn do giá lương thực, thực phẩm giảm. Hiện nay, các chỉ số sản xuất công nghiệp đã có khá lên, lượng tồn kho dù vẫn còn cao nhưng rõ ràng đã giảm. Tăng trưởng tín dụng tuy chậm nhưng so với năm ngoái, tốc độ vẫn khá hơn. Đánh giá trên những tiêu chí như thế thì chúng ta chưa phải quá lo lắng về chuyện giảm phát. Tuy nhiên, đúng là nền kinh tế còn đang hết sức khó khăn, doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Chính vì thế, Chính phủ đang tính toán và trong phiên họp tới đây chắc cũng sẽ bàn, xem xét để tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 02. Gọi là nới lỏng thì không chính xác, nhưng cũng phải tạo điều kiện để nâng tổng cầu của nền kinh tế. Cái đó cần phải xem xét một cách nghiêm túc.

- Dù chúng ta không dùng từ nới lỏng nhưng trong chính sách tài khóa, trần nợ công và bội chi vẫn ở mức khá cao. Vậy nên hiểu thế nào, thưa ông?

- Thứ nhất, về chính sách tín dụng, mình không nói là quá chặt chẽ mà phải xem xét điều hành linh hoạt vì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay đặt ra là 12%. Hết khung 12% này là quá tốt rồi. Thứ hai, nợ công của mình vẫn đang trong giới hạn an toàn nên cũng vẫn cần phải xem xét là có thể phải huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế trong lúc khó khăn. Ý là như thế, nếu nói là nới lỏng thì người ta lại dễ suy nghĩ sang chiều hướng khác.

- Có ý kiến lo ngại nếu chúng ta phát hành thêm trái phiếu thì e rằng nguồn tín dụng vẫn không chảy vào DN. Phó Thủ tướng suy nghĩ như thế nào về điều này?

- Chúng ta phải phối hợp rất đồng bộ. Vừa rồi Chính phủ đã tập trung giải quyết hàng tồn kho, xử lý thị trường bất động sản, giờ là giải quyết nợ xấu và thậm chí những dự án mới nếu có hiệu quả thì các ngân hàng phải chỉ đạo để cho vay. Còn trái phiếu chỉ ở mức độ thôi chứ không phải quá lớn. Mà nếu có phát hành thêm thì so với tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế, lượng đó cũng không đáng kể.

Hồng Vân