Tăng chất lượng sống cho người dân Thủ đô
Đời sống - Ngày đăng : 07:38, 25/05/2013
Trong bối cảnh này, cùng với Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, việc sửa đổi một số điều của Luật Cư trú sẽ góp phần làm tăng chất lượng sống của người dân Thủ đô. Đó là khẳng định của ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp bên lề hành lang QH chiều 24-5.
- Theo ông, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú có đồng nhất với Luật Thủ đô về quản lý dân cư?
- Tôi cho rằng, đã có sự thống nhất. Để kiểm soát dân cư trong nội thành Hà Nội một cách phù hợp, cần một số biện pháp hành chính và giải pháp kinh tế - xã hội trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú và Luật Thủ đô. Các điều khoản đề ra tuy chưa phải giải pháp tối ưu, nhưng cần thiết để bảo đảm quy mô, mật độ dân cư theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
- Nhiệm vụ xác nhận về diện tích nhà ở và số lượng người đang cư trú tại nơi ở được Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú giao cho chính quyền sở tại đang khiến dư luận lo ngại sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân. Ông đánh giá gì về ý kiến này?
- Ban soạn thảo cho rằng việc quy định như trên sẽ bảo đảm sự chặt chẽ, tránh tùy tiện, thiếu trung thực trong việc khai điều kiện đăng ký thường trú. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc giao chính quyền sở tại xác nhận về diện tích nhà ở và số lượng người đang cư trú tại nơi ở đó sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém không cần thiết. Hơn nữa, Điều 19 Luật Thủ đô cũng không có quy định về điều kiện phải có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương mà chỉ quy định nhà thuê thì phải bảo đảm về diện tích bình quân và được sự đồng ý của người cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.
- Nếu ông là thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, ông sẽ có đề xuất gì?
- Tôi đề nghị cân nhắc bỏ quy định nêu trên. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc phạt vài triệu đồng đối với những công dân có hành vi khai báo gian dối về diện tích nhà ở. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra định kỳ về diện tích nhà ở bởi trên thực tế, diện tích nhà là bất biến.
- Theo ông, những quy định của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú có khiến không ít người dân gặp khó khăn về nơi ở?
- Tôi không thấy vậy. Chỉ có một bộ phận nhỏ sẽ bị ảnh hưởng. Rõ ràng, các TP trực thuộc TƯ đang quá tải dân số, kéo theo nhiều hệ lụy. Trên thực tế, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú còn đưa ra những quy định thuận lợi hơn cho người dân. Cụ thể, dự án luật quy định "Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới, có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú". So với Luật Cư trú hiện hành, đã rút ngắn thời hạn đăng ký từ 24 tháng xuống 12 tháng. Dư luận còn cho rằng nhà thuê ở Hà Nội sẽ "đắt như tôm tươi" vì ở tạm trú 2 năm được đăng ký thường trú. Tuy nhiên, dự thảo quy định, khi công dân đăng ký tạm trú, cơ quan quản lý sẽ cấp một sổ riêng. Việc này gây tốn kém không cần thiết, cần nghiên cứu lại.