Còn nhiều lực cản phục hồi đà tăng trưởng kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 25/05/2013
Theo các chuyên gia kinh tế, các yếu tố tăng trưởng tiềm năng có nguy cơ suy giảm dần do năng lực sản xuất bị giới hạn bởi năng suất lao động thấp và công nghệ lạc hậu. Cùng với đó, sau thời gian dài thắt chặt tín dụng do lo ngại nợ xấu tăng cao và kiềm chế lạm phát, nhiều DN đã ngừng sản xuất, phá sản khiến cho khả năng sản xuất của nền kinh tế bị ảnh hưởng mạnh.
Lượng hàng tồn kho cao của một số mặt hàng đang gây áp lực lớn đến khả năng tăng trưởng kinh tế |
Các chính sách kích thích tài khóa với quy mô lớn để giúp tăng trưởng cao, sẽ dẫn đến lạm phát trong dài hạn do nền kinh tế đã ở quanh mức tăng trưởng tiềm năng. Mặc dù chưa có một bức tranh chính xác về thực trạng nợ xấu ngân hàng, nhưng vấn đề này đang rất đáng lo ngại, vượt xa báo động của Ngân hàng Nhà nước. Đây được cho là "cục máu đông", điểm nghẽn của nền kinh tế, nếu không giải quyết được thì không thể tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Nợ xấu đang tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế cũng như tính an toàn, hiệu quả kinh doanh của chính các ngân hàng.
Bên cạnh đó, tồn kho sản phẩm cao là vấn đề đáng lo ngại nhất đến sự trì trệ của nền kinh tế. Bởi, tổng cầu xã hội giảm, tồn kho tăng đã làm cho nền kinh tế rơi vào khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. Trước mắt, sức sản xuất giảm sút mạnh thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý I chỉ tăng 4,9%. Những ngành có tồn kho cao nhất là sản xuất xe có động cơ (tăng 147,3%); sản xuất giường, tủ, bàn ghế (tăng 144,9%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 142%), sản xuất và chế biến thực phẩm (tăng 102,3%). Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho so với giá trị sản xuất hằng tháng của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ tháng 7-2012 đến cuối tháng 2-2013 luôn ở mức cao khoảng 69%-93%, trong khi đó tỷ lệ tồn kho ở mức an toàn trong điều kiện sản xuất và tiêu thụ bình thường là 65%.
Nguồn lực DN có hạn, sức mua thấp, điều kiện sản xuất bị thu hẹp đang là trở ngại của nền kinh tế. Năm 2012, nhiều DN phá sản, DN còn lại chỉ hoạt động 30%-40% công suất vì lượng tồn kho nhiều, sức mua thấp. Trong quý I-2013 số DN phá sản bằng số mới thành lập. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những thách thức trên sẽ là cản trở lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2013.
Gần 3.000 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa
Mặc dù vậy, nhưng mục tiêu của việc tái cơ cấu DNNN được xác định rất rõ ràng, quyết tâm cũng rất cao và đã được khẳng định, song việc triển khai chưa thực sự khẩn trương. Thực tế, mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn nhà nước khỏi các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính, phân công lại trách nhiệm thực hiện vai trò chủ sở hữu nhà nước. Thậm chí, ngay cả việc thực hiện các việc trên cũng chậm. Tính đến nay vẫn còn gần 3.000 DN chưa CPH. Một phần do đề án tái cơ cấu không định lại vai trò của Tập đoàn - Tổng Công ty (TĐ-TCT) trong một nền kinh tế nhiều thành phần. Điểm cốt lõi là không áp đặt kỷ luật thị trường lên TĐ-TCT, không đặt ra lộ trình buộc TĐ-TCT phải công khai minh bạch và chưa tạo dựng môi trường cạnh tranh ở những lĩnh vực ngành nghề mà TĐ-TCT đang độc quyền hoặc chiếm vị thế thống lĩnh.
Để quá trình tái cơ cấu DNNN hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh CPH, đa dạng hóa sở hữu các DN nhà nước. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các TĐ-TCT hiện nay là giải pháp cần thực hiện một cách triệt để. Cần chuyển giao theo sổ sách toàn bộ vốn đầu tư về cho các công ty đầu tư tài chính nhà nước. Các công ty này xây dựng kế hoạch thoái vốn hoặc tiếp tục kinh doanh bằng một đề án tổng thể trình Chính phủ phê duyệt và báo cáo Quốc hội.
Ngoài ra, để quá trình tái cơ cấu DNNN đạt hiệu quả, cần xem xét lại vai trò của Nhà nước cũng như cần phải cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư. Theo đó, DNNN cần tập trung vào bốn lĩnh vực chính, gồm công nghiệp quốc phòng; công nghiệp độc quyền tự nhiên; lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề cơ chế quản lý của Nhà nước đối với các TĐ-TCT cần được xem xét lại. Bên cạnh đó, bản thân các DN cần nâng cao năng lực quản trị của mình.