Quy mô giảm, trách nhiệm giám sát tăng

Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:15, 24/05/2013

(HNM) - Tính đến ngày 23-5, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là hơn 946 nghìn, giảm hơn 17 nghìn thí sinh so với kỳ thi năm ngoái.


Dù vậy, việc triển khai các biện pháp giám sát thực hiện các quy định của kỳ thi lại được tăng cường nhằm tránh hiện tượng tiêu cực đã từng xảy ra ở các kỳ thi trước. Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại buổi họp báo diễn ra vào cuối chiều ngày 23-5, tại Hà Nội.

Thực hiện thanh tra không báo trước

So với năm 2012, khâu coi thi của kỳ thi năm nay được Bộ GD-ĐT đặc biệt chú trọng. Một trong những biện pháp được triển khai nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của giám thị coi thi và các thành viên hội đồng coi thi (HĐCT) là thanh tra đột xuất tại các địa phương và HĐCT. Bộ GD-ĐT sẽ thành lập 10 đoàn thanh tra theo hình thức này. Việc đi kiểm tra tại đâu, kiểm tra HĐCT nào là do các trưởng đoàn thanh tra quyết định chứ không phải do địa phương bố trí, sắp xếp như năm trước. 15 địa phương có địa bàn phức tạp, từng có "điểm nóng" tại kỳ thi năm trước đã được Bộ GD-ĐT cho vào "tầm ngắm" nhưng không thông báo công khai. Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Trúc khẳng định: Bộ GD-ĐT không có quy định "đến rồi thì không quay lại". Nếu trong quá trình thanh tra, phát hiện thấy có vấn đề, trưởng đoàn thanh tra có quyền quyết định quay lại nơi đã thanh tra ban đầu để xác minh, làm rõ. Điều này sẽ hạn chế tình trạng đối phó của các địa phương, tức là khi có mặt của thanh tra thì mọi thứ đều "đẹp", thanh tra đi rồi "đâu lại vào đấy".

Ngoài các đoàn thanh tra đột xuất của Bộ GD-ĐT, Bộ còn chỉ đạo các Sở GD-ĐT thành lập các đoàn thanh tra theo hai hình thức: Thanh tra cắm chốt tại các HĐCT (với quy định cứ 7 phòng thi có 1 thanh tra) và thanh tra lưu động. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đoàn thanh tra hoạt động độc lập, Thanh tra Bộ GD-ĐT không làm thay công việc của Thanh tra Sở GD-ĐT. Nếu phát hiện TS vi phạm quy chế thì ngoài việc yêu cầu giám thị xử lý theo quy định, giám thị thanh tra có trách nhiệm theo dõi việc xử lý. Quy định này được kỳ vọng làm tăng ý thức trách nhiệm của mỗi thanh tra viên khi đảm nhận nhiệm vụ. 

Giám sát thiết bị mang vào phòng thi: Địa phương chủ động

Toàn quốc có 2.296 hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Số phòng thi là hơn 40 nghìn (giảm 259 phòng so với năm trước). Số giám thị được huy động làm nhiệm vụ coi thi là 143 nghìn cán bộ, giáo viên (giảm hơn 1.000 người).

Vấn đề được quan tâm nhất ở thời điểm này là việc hướng dẫn, giám sát thế nào đối với việc TS mang thiết bị chỉ có chức năng ghi âm, ghi hình (không thể truyền hoặc phát thông tin nếu không có thiết bị hỗ trợ) vào phòng thi theo quy chế mới của Bộ GD-ĐT. Trước phản ánh của báo chí về tình trạng lúng túng của một số địa phương khi thực hiện quy định mới này, câu hỏi được nêu ra là Bộ GD-ĐT có hướng dẫn triển khai cụ thể hay không, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Trúc khẳng định: Chủ trương của Bộ GD-ĐT là từng bước tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương trong việc tổ chức kỳ thi. Tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, các sở GD-ĐT có hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát thiết bị mang vào phòng thi để tránh tiêu cực. Đây không phải lần đầu tiên quy định này được áp dụng, mà đã được thực hiện từ kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm ngoái và không có sự cố nào xảy ra. Một số địa phương báo cáo rằng đã có sáng kiến để tạo sự thuận tiện cho việc giám sát, như quy định TS mang thiết bị đến thì phải đăng ký, cam kết không truyền tin ra ngoài; có nơi thông báo cho TS mang máy đến kiểm tra trước, khi vào phòng thi thì giám thị chỉ cần kiểm tra xem thiết bị có được dán tem hay không…

Về ý kiến băn khoăn rằng, khi được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi thì các TS có được đi lại tự do trong phòng để ghi âm, ghi hình hay không, Phó Chánh Thanh tra Phạm Ngọc Trúc khẳng định: Điều 21, khoản 4 của Quy chế thi quy định TS không được có cử chỉ, hành động làm mất trật tự phòng thi, nếu có ý kiến thì phải giơ tay, được phép mới phát biểu. Như vậy, TS không được phép đi lại trong phòng thi để làm ảnh hưởng đến người khác, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy chế.

Những thông tin chính thức về kỳ thi THPT năm 2013 đã được đưa ra, giải pháp đã có, hy vọng về một kỳ thi suôn sẻ giờ phụ thuộc vào trách nhiệm thực hiện quy định chung của các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Hồng Hạnh