“Làng Ma - mười năm sau” vẫn nổi bật hình tượng người nông dân

Văn hóa - Ngày đăng : 07:12, 24/05/2013

(HNM) - Nửa tháng nữa, bộ phim


- “Đất và người” được chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Ma làng” cũng được chuyển thể từ một tiểu thuyết cùng tên. Vậy, tại sao với “Làng Ma” ông lại tự viết toàn bộ kịch bản?

- Tôi cũng muốn có một tác phẩm văn học ưng ý để chuyển thể lắm chứ, nhưng có thể vì nhiều lý do mà mình chưa gặp được. Viết kịch bản là khâu vô cùng nặng nhọc. Và phim điện ảnh, truyền hình của ta hiện nay thì luôn thiếu kịch bản hay. Điều này thì ai cũng biết rồi.

NSƯT Kim Oanh và NSƯT Trung Hiếu đảm nhận vai “cô Ló” và “anh Dỏ” trong phim “Làng Ma - mười năm sau”.



- “Làng Ma” là cái tên không thể không gợi về một bộ phim khác của ông là “Ma làng”?

- Đây là một phim mới với nội dung hoàn toàn khác, không phải là sự tiếp tục của “Ma làng”. Nhưng, sở dĩ có cái tên “Làng Ma” là vì tôi cũng muốn các tác phẩm của mình nằm trong một mạch, tạo thành số phận của người nông dân Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. “Ma làng”, “Đất và người” phản ánh những vấn đề liên quan đến người nông dân trong cơ chế bao cấp và cuộc đấu tranh làm thay đổi số phận của họ. “Làng Ma - mười năm sau” là nông thôn, nông dân sau 10 năm đổi mới, phát triển theo cơ chế thị trường. Đối với mỗi người làm phim chính luận, điều quan trọng nhất là phải nêu được quan điểm của mình khi đứng trước một vấn đề xã hội. Qua “Làng Ma”, tôi muốn nói: Đất đai là tài sản quý giá nhất của đất nước, chúng ta phải giữ lấy đất và khai thác đất trồng trọt, phát triển nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp chứ không chỉ đổ bê tông lên đất để phát triển các khu công nghiệp.

- Phim có đưa vào những câu chuyện thời sự nóng bỏng về đất đai trong thời gian vừa qua không, thưa ông?


- Vấn đề nông thôn, nông dân bao giờ cũng nóng. Trước khi có những vụ việc về đất đai gây xôn xao dư luận thì kịch bản phim của tôi đã hoàn thành, đang chuẩn bị quay. Trong kịch bản có một số sự kiện, chi tiết về cưỡng chế đất, trùng hợp với một vài vụ việc nào đó, nhưng tôi quyết định bỏ đi để phim không gây cảm giác lệ thuộc vào những vấn đề thời sự. Tính chính luận nằm ở gốc rễ vấn đề chứ không phải ở sự cóp nhặt những sự vụ cụ thể ngoài đời. Theo cách đó, tôi cũng đã cố gắng phản ánh nhiều vấn đề, câu chuyện khác không kém phần dữ dội của nông thôn như tín dụng đen, cờ bạc, suy thoái đạo đức, phá vỡ nét đẹp văn hóa làng xã và đặc biệt là cơn sốt làm giàu bằng mọi giá.

- Nhiều câu chuyện nóng bỏng như vậy, e rằng “Làng Ma” ảm đạm quá?

- Không! Điểm sáng của phim và cũng là quan điểm của tác giả thể hiện qua toàn bộ mạch phim, qua tuyến nhân vật đáng trân trọng. Đó là Nghiệp và Bí thư Đảng ủy xã (Thành) - những nhân vật đã xuất hiện từ “Ma làng”. Nghiệp là người sinh ra nghề nuôi cá lồng trên dòng sông của xã, sau đó anh trở thành một trí thức, tâm huyết với mô hình sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp nông thôn. Thành, vì ủng hộ Nghiệp mà bị “chơi xấu” nhưng vẫn cùng Nghiệp, Mưa và nhiều “công nhân nông nghiệp” bảo vệ cái đúng. Chưa kể là mọi diễn biến của phim, dù dữ dội đến đâu cũng sẽ được quy về một quy luật chung mà tôi đã khai thác ở “Ma làng”, đó là luật nhân - quả.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Thi Thi thực hiện