An ninh nước tại Châu Á - TBD: Thách thức tiềm tàng
Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 23/05/2013
Làm thế nào để bảo vệ nguồn tài nguyên hữu hạn này, chia sẻ những nguồn lợi do nước mang lại cũng như hạn chế những thách thức an ninh liên quan đến việc tranh giành nguồn nước đã trở thành câu chuyện thời sự nóng hổi của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đây cũng là nội dung chính được hơn 2.000 đại biểu là các lãnh đạo, quan chức cấp cao, chuyên gia về nước và môi trường đến từ 37 quốc gia trong khu vực bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh về nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai vừa kết thúc tại Chiang Mai, Thái Lan.
Nhiều dòng sông tại Châu Á - Thái Bình Dương đang bị cạn kiệt do biến đổi khí hậu và hợp tác thiếu đầy đủ giữa các quốc gia. |
Là khu vực chiếm 60% dân số thế giới, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như đô thị hóa cao nhất hành tinh nhưng Châu Á - Thái Bình Dương chỉ có được 35% tài nguyên nước toàn cầu. Ước tính, trung bình một ngày có khoảng 150-250 triệu mét khối nước từ các khu vực đô thị thải ra môi trường nhưng chỉ có khoảng 15-20% lượng nước thải được xử lý để tái sử dụng. Hiện tượng toàn cầu ấm lên đã và đang làm thay đổi thời tiết và các hệ sinh thái khiến thiên tai càng khó lường hơn cả về quy mô và cường độ. Cùng với hạn hán xảy ra tại nhiều nước, các số liệu thống kê từ giai đoạn 2000 đến 2009 cho thấy, đã có hơn 20.000 người ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bị chết do lũ lụt gây ra. Với 2/3 tổng số người bị đói trên thế giới sống ở Châu Á - Thái Bình Dương, các thách thức trên đang thực sự đe dọa tới an ninh nước và an ninh lương thực, ảnh hưởng đến nỗ lực xóa đói giảm nghèo của nhiều quốc gia trong khu vực.
Ý thức được sự quan trọng của việc bảo vệ và khai thác lợi ích từ nguồn nước chung là những con sông lớn chảy qua nhiều quốc gia, các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết rất nhiều hiệp định, hiệp ước quy định các nguyên tắc về chia sẻ và sử dụng nước một cách công bằng và hợp lý. Thế nhưng, không thể chối bỏ thực tế là, kết quả triển khai các thỏa thuận này vẫn chưa được như mong đợi. Những bất đồng giữa các quốc gia liên quan đến việc sử dụng tài nguyên nước mang tính cộng đồng và chia sẻ lẫn nhau vẫn xảy ra theo hướng tiêu cực. Những nguyên nhân quan trọng là cam kết chính trị của các bên chưa cao; khó khăn trong việc cụ thể hóa các điều khoản của khung pháp lý, cũng như có sự khác nhau giữa luật quốc gia và luật quốc tế.
Trong bối cảnh đó, việc sớm thông qua Công ước của Liên hợp quốc về Luật Sử dụng các nguồn nước quốc tế được các đại biểu tham dự hội nghị lần này đặc biệt quan tâm. Để công ước quan trọng này có hiệu lực, cần phải có 35 nước phê chuẩn song đến nay mới có 30 quốc gia phê chuẩn, trong đó chỉ 5 quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, làm thế nào để đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia nhằm bảo vệ và chia sẻ tài nguyên nước công bằng và hợp lý, cũng như đối phó với những thiệt hại do lũ lụt, hạn hán gây ra cũng là một thách thức ghê gớm đang đặt ra với khu vực. Cùng với Tuyên bố Chiang Mai, việc Chính phủ Thái Lan đưa ra cam kết sẽ góp 1 triệu USD để thực hiện đề xuất thành lập một quỹ trị giá 10 triệu USD nhằm hỗ trợ nghiên cứu về quản lý nguồn nước được xem là quyết tâm lớn của các quốc gia trong khu vực.
Với những cuộc xung đột vũ trang từng xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới liên quan đến tranh giành quyền kiểm soát nguồn nước ở Trung Đông hay Châu Phi, những căng thẳng tương tự được đánh giá là một trong những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây bất ổn tại Châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác để bảo vệ, cùng nhau tận hưởng những lợi ích mà nguồn nước chung đem lại cho các quốc gia và giảm thiểu những bất ổn tiềm tàng do việc kiểm soát ích kỷ nguồn nước mang lại.