Quốc hội đề xuất hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn

Kinh tế - Ngày đăng : 15:49, 22/05/2013

(HNMO) - Chiều 22-5, QH tiếp tục thảo luận tại tổ nhằm đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.



Tăng nguồn đầu tư, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lĩnh vực được coi là “bà đỡ” của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn và siết chặt quản lý các tập đoàn kinh tế Nhà nước là những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận.

Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ.


Nông nghiệp trong tình trạng… hụt hơi

Theo đánh giá của nhiều ĐBQH, trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nông nghiệp luôn trở thành “bà đỡ” mát tay, giúp nền kinh tế phục hồi thông qua những đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng GDP. Tuy nhiên, theo ĐB Đỗ Văn Vẽ (đoàn Thái Bình), báo cáo của Chính phủ cho thấy, nền kinh tế có dấu hiệu phát triển nhưng không bền vững. Trên thực tế sức mua giảm, hàng tồn kho tăng, các doanh nghiệp (DN) không mở rộng sản xuất, “sức khỏe” của các DN yếu dần, nhiều DN vừa và nhỏ đã “quỵ”, trong đó 96% DN thua lỗ, 15.300 DN phá sản. ĐB Đỗ Văn Vẽ đặt câu hỏi: Nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng được mùa mất giá kiến nông dân thua lỗ? Câu trả lời là phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho DN, quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới, khôi phục lòng tin trong nhân dân và DN thì mới có thể thu được những thành tựu phát triển KTXH trong tương lai. ĐB cũng đề xuất tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân vì đây là lĩnh trọng trọng yếu của nền kinh tế. Vai trò này của lĩnh vực nông nghiệp cũng đã và đang được thể hiện rõ nét trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay.

Đồng quan điểm này, ĐB Thuận Hữu (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), cũng cho rằng, nông nghiệp, nông thôn, nông dân đang cứu cả nền kinh tế. Chính phủ cần quan tâm đến lĩnh vực này, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho các hộ nông dân, bởi trên thực tế nông dân đang là lực lượng yếu thế vì chưa có những chính sách đầu tư, hỗ trợ thỏa đáng.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng kiến nghị, Chính phủ cần xem xét chính sách thu tạm trữ lúa cho nông dân, bởi hiện nay, chương trình này đang phụ thuộc nặng nề vào hệ thống thương lái, không kiểm soát được giá cả và thường xuyên bị thương lái ép giá. Chính phủ cần khảo sát hiệu quả của chương trình này nhằm kịp thời đưa ra những chính sách hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, cần có hàng rào bảo vệ sản xuất trong nước trước thực trạng nông sản giá rẻ tràn vào Việt Nam gây tác động xấu tới nền nông nghiệp nước nhà.

Thu, chi ngân sách, quá nhiều bất cập

Bên cạnh việc chỉ ra những căn bệnh trầm kha của nền kinh tế, các ĐBQH cũng nêu những góp ý thẳng thắn về tình hình thu, chi NSNN. ĐB Nguyễn Văn Minh (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, hoạt động chi NSNN nhiều năm qua vẫn trong tình trạng đầu tư dàn trải, kỷ luật ngân sách chưa nghiêm và nợ ngân sách còn khá nhiều. Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, chúng ta không sợ lạm phát mà mối lo trước mắt là suy giảm kinh tế. Tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng tín dụng và "cứu" DN là những giải pháp đã được đưa ra song không thể kích cầu đầu tư một cách ồ ạt vì hậu quả sẽ khó lường. Trong thời điểm nguồn thu ngân sách yếu kém như hiện nay, Chính phủ cũng không nên tăng thu bằng biện pháp gây sốc cho nền kinh tế.

Đồng quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cảnh báo, nguy cơ tái lạm phát cao luôn cần được quan tâm. Dự báo với sự suy giảm tổng cầu như hiện nay thì lạm phát không thể quay lại nhưng lại là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên cũng không thể ồ ạt tăng tổng cầu. Nhìn vào quyết toán ngân sách 2011, có thể nhận thấy kỷ luật còn lỏng lẻo. Vì vậy, cần sửa lại luật ngân sách, xem lại các quy định, luật đầu tư công để kiểm soát hiệu quả nguồn vốn ngân sách. Không thể giám sát các tập đoàn kinh tế theo kiểu “để đấy” hay quyết toán NSNN mang tính hình thức, không thực chất. Nếu không có biện pháp khắc phục, các tập đoàn kinh tế sẽ tiếp tục nợ dự án, nợ công trình và tăng thêm ghánh nặng cho ngân sách.

Hương Ly