Hà Nội đặc biệt ưu tiên quỹ đất cho hạ tầng vận tải hành khách công cộng

Kinh tế - Ngày đăng : 13:07, 22/05/2013

(HNMO) – Đó là một trong những cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích của TP Hà Nội nhằm phát triển đột phá vận tải hành khách công cộng.


Hiện UBND TP Hà Nội đang xây dựng dự thảo: Ưu tiên phát triển hệ thống VTHKCC khối lượng lớn; Khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; Áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn TP Hà Nội. Sau khi TP tập hợp các ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành sẽ trình để Hội đồng nhân dân TP xem xét, thông qua dự án trên (đây cũng là bước nhằm thể chế hóa Luật Thủ đô).

Hạ tầng phục vụ hệ thống VTHKCC thiếu và bất cập

Thực tế, hạ tầng phục vụ hệ thống VTHKCC của Hà Nội đang rất bất cập và thiếu hụt. Các loại hình VTCC khối lượng lớn, tiên tiến như xe buýt nhanh (BRT), tàu điện ngầm (Metro), đường sắt trên cao đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, chưa được đưa vào khai thác sử dụng. Hạ tầng xe buýt phát triển chưa được đồng bộ.

Điểm đầu cuối xe buýt tạm bợ chủ yếu đỗ bên lề đường, bãi đất lưu không…, vốn không được quy hoạch sử dụng cho hoạt động xe buýt nên không thể đầu tư xây dựng các hạng mục phụ trợ hoạt động xe buýt.

Trên địa bàn TP hiện cũng mới có 350/1800 điểm dừng xe buýt được lắp đặt nhà chờ phục vụ khách. Các khu đô thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi… chưa có quy hoạch quỹ đất dành cho hạ tầng VTHKCC.

Mặt khác, đường dành riêng cho phương tiện VTHKCC khối lượng lớn (xe buýt) còn thiếu, toàn TP đến nay mới có 5km đường ưu tiên cho xe buýt trên quốc lộ 6; Phương tiện VTHKCC phải hoạt động trong dòng giao thông hỗn hợp làm giảm tốc độ chạy xe, giảm hiệu quả khai thác.

Bên cạnh đó, 100% các xe buýt sử dụng nhiên liệu là dầu diesel tiêu chuẩn khí thải từ Euro III trở xuống; 70% xe có tuổi thọ trên 10 năm; lượng hành khách chuyên chở giờ cao điểm lại vượt từ 20-50% trọng tải thiết kế… nên gây nhiều khói bụi, phương tiện xuống cấp.

Đến nay, mặc dù TP đã có nhiều chính sách ưu tiên khuyến khích người dân tham gia sử dụng phương tiện VTHKCC nhưng người dân tham gia không cao nên ít tác dụng hạn chế phương tiện cá nhân. Hiện chỉ có học sinh, sinh viên hay đi xe buýt.

Diện tích dành cho đỗ xe trên địa bàn TP hiện rất thấp, chỉ có khoảng 687 điểm đỗ xe có phép với diện tích khoảng 12,45 ha (đạt 3,58% chỉ tiêu); đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của các phương tiện. Trên địa bàn TP cũng hiện có 41 bến xe khách với diện tích khoảng 22,71 ha. Hầu hết các bến xe liên tỉnh đang hoạt động được bố trí tại các đường vành đai và các trục xuyên tâm của TP có giao thông ra vào bễn xe không thuận lợi dẫn đến tình trạng thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Theo quy hoạch GTVT Thủ đô có 8 bến xe tải liên tỉnh và 7 trung tâm tiếp vận nhưng hiện đều chưa được triển khai xây dựng.

Ngoài ra, hiện nay công tác quản lý và điều hành GTVT trên địa bàn Thủ đô chủ yếu dựa vào hệ thống báo hiệu đường bộ, hệ thống đèn tín hiệu giao thông và lực lượng trực tiếp điều hành giao thông tại hiện trường nên rất bị động, thiếu hiệu quả, thiếu tính đồng bộ, không kịp thời phát hiện các ùn tắc cục bộ… Với hàng triệu phương tiện các loại đi lại, TP thiếu các trung tâm quản lý và điều hành giao thông hiện đại, đồng bộ có khả năng tổng hợp thông tin, dữ liệu kịp thời, phát hiện và xử lý các điểm ùn tắc giao thông, tổ chức điều hành giao thông linh hoạt và hiệu quả.



Xây dựng cơ chế ưu tiên mạnh để phát triển VTHKCC

Để khắc phục các vấn đề trên, TP đang chủ trương xây dựng một loạt cơ chế chính sách khuyến khích nhằm tạo “cú huých” để phát triển VTHKCC. Đó là, ưu tiên bố trí quỹ đất và đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ hệ thống VTHKCC như: đề pô, trạm trung chuyển, ga đường sắt đô thị, điểm dừng đỗ, đường dành riêng cho xe buýt. Các phương tiện sử dụng hạ tầng phục vụ hệ thống VTHKCC phải là các phương tiện có chất lượng cao, hiện đại, đáp ứng công nghệ tiên tiến và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Niên hạn sử dụng đối với xe buýt, xe buýt nhanh (BRT) không quá 7 năm.

TP lập các trung tâm quản lý, điều hành giao thông chung và các trung tâm hạ tầng phục vụ hệ thống VTHKCC theo từng loại hình. Từng bước triển khai xây dựng hệ thống vé điện tử dùng chung cho các loại hình hạ tầng phục vụ hệ thống VTHKCC khối lượng lớn trên địa bàn TP. Để vận hành hệ thống giao thông thông minh, TP cũng lên kế hoạch đào tạo nhân lực để quản lý, khai thác, vận hành.

Hơn nữa, để khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao vào quản lý, điều hành GTVT, doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển, Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ và các nguồn vốn khác. Mức vay tối đa 80% số vốn đầu tư theo từng dự án cụ thể do UBND TP quyết định.

Bên cạnh đó, TP cũng ưu tiên, khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác các bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác trong khu vực từ phạm vi đường Vành đai III trở vào trung tâm TP trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết về bãi đỗ xe tại khu vực nội đô.

Mặt khác, để khuyến khích người dân sử dụng hạ tầng phục vụ hệ thống VTHKCC , TP dự kiến giảm 50% giá vé tháng đối với các đối tượng là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, người cao tuổi; Giảm 30% giá vé tháng cho các bộ, nhân viên tại các văn phòng, công sở mua vé tháng theo hình thức tập thể.

L.H