Quốc hội “mổ xẻ” nút thắt về nợ xấu, lãi suất, đầu tư công

Chính trị - Ngày đăng : 11:23, 22/05/2013

(HNMO) - Những ”căn bệnh” trầm kha của nền kinh tế như đầu tư công kém hiệu quả, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng, hệ thống an sinh xã hội còn nhiều bất cập đã được các ĐB thảo luận trong phiên họp QH sáng nay.


Dũng cảm ”bắt bệnh” nền kinh tế

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, so với số liệu báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu giảm so với kế hoạch gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Riêng chỉ tiêu tỷ lệ giảm nghèo báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là 1,76%, số thực hiện cả năm là 2,16%.

Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội Hà Nội.


Tuy nhiên, theo ý kiến của các ĐBQH, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cần nhìn nhận thẳng thắn vào những mặt chưa được còn tồn tại của nền kinh tế để ”bắt đúng bệnh” và tìm ra hướng đi hiệu quả. ĐB Trịnh Ngọc Thạch (đoàn Hà Nội) cho biết, tại lĩnh vực an sinh xã hội nổi lên nhiều vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến lĩnh vực giáo dục phổ thông và mầm non, những bất cập trong chương trình giảng dạy tại sách giáo khoa, vấn đề bảo đảm chất lượng giáo dục... song báo cáo của Chính phủ nêu về những vấn đề này còn quá sơ sài.

Dưới một góc nhìn khác, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dựa trên đánh giá chung tình hình kinh tế từ các báo cáo, ý kiến cử tri, chúng ta dễ dàng nhận thấy nền kinh tế đang trong giai đoạn trì trệ. Nói như vậy bởi những giai đoạn trước, tăng trưởng kinh tế của nước ta đều đạt mức 7-8%. Chỉ với mức tăng trưởng này, chúng ta mới có thể bảo đảm mục tiêu giải quyết tốt các các vấn đề xã hội. Trong khi đó, giai đoạn hiện nay chúng ta mới đạt hơn 5%. Trước đây, nền kinh tế suốt các thời kỳ tăng trưởng dựa trên 4 lĩnh vực trụ cột: Nông nghiệp tăng trưởng cao, khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) phát triển mạnh. Nhưng tới năm 2012 và 2013, điều lo ngại là kinh tế duy trì tăng trưởng dựa trên duy nhất khối DN có vốn FDI nhưng không phải FDI nào cũng tốt. Sự mất sức cạnh tranh của khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân chính là điều đáng phải quan tâm.

ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cũng thẳng thắn cho rằng, 3 mục tiêu không đạt và chỉ tiêu về tỷ lệ giảm nghèo cần phải được phân tích, đánh giá cẩn trọng chứ không nên chỉ nhìn vào những chỉ tiêu đã đạt được rồi. Điều này sẽ giúp giải quyết những nút thắt của nền kinh tế như: nợ xấu, lãi suất, đầu tư công.

Quy rõ trách nhiệm cá nhân khi xảy ra sai phạm

Nhận xét về những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2102, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đã thực hiện khá tốt những chỉ tiêu như: Lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô... Một số vấn đề dư luận quan tâm như thủy điện Sông Tranh đã được các cơ quan hành pháp và Chính phủ vào cuộc nhanh. Song bên cạnh đó, vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan điều hành chưa ăn khớp khiến hiệu quả đầu tư công chưa cao. Chính phủ quy trách nhiệm cá nhân chưa rõ ràng khiến sai phạm nảy sinh. Vì vậy, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật để có những đánh giá chính xác thì mới có thể ”bắt” đúng bệnh cho nền kinh tế.

ĐB Bùi Thị An cho rằng, các số liệu đánh giá về KTXH hiện chưa chuẩn, người bảo tốt, người bảo chưa tốt. Hiện các đánh giá về lãi suất, vốn vay, tỷ hộ nghèo... đều không thống nhất. Tỷ lệ nợ xấu, nợ công, thất nghiệp cũng có tới mấy con số. Vì vậy, các ngành chức năng phải ngồi lại với nhau để đánh giá đúng tình hình. ”Trên thực tế, báo cáo KTXH của các tỉnh GDP đều tăng tới 9-10%, trong khi GDP cả nước chỉ tăng hơn 5%. Vấn đề cần làm hiện nay là Chính phủ phải làm gì để tìm ra hướng phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh dân ta còn nghèo, đất nước ta còn nhiều khó khăn. Riêng về đầu tư công phải thực hiện sao cho hiệu quả, tính toán phải kỹ lưỡng vì hoàn cảnh của Việt Nam rất đặc thù, chúng ta phải tìm ra hướng đi độc đáo mà vẫn bảo đảm phát triển bền vững”.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về thực hiện các chỉ tiêu KT-XH và quyết toán ngân sách nhà nước trước khi vấn đề này được thảo luận tại hội trường.

Hương Ly