Nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm nhẹ thiên tai
Xã hội - Ngày đăng : 06:03, 22/05/2013
Trong những năm gần đây, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai xảy ra ở hầu khắp các vùng, miền trên cả nước, gây nhiều tổn thất về người, tài sản, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe người dân. Trong khi đó, công tác ứng phó thiên tai đang đặt ra nhiều vấn đề về nhận thức và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trồng cây xanh là một trong những hoạt động bảo vệ môi trường, hưởng ứng chiến dịch “Chống biến đổi khí hậu”. Ảnh: Khôi Ngô |
Những ngày này, nhân dân Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc đang phải vật vã trong cái ngột ngạt, oi ả của đợt nắng đầu tiên trong mùa hè năm 2013. Nhiều người khi đi ra đường "kêu trời" vì phải đối mặt với nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, đạt mức kỷ lục. Trong khi nắng nóng đang diễn ra gay gắt thì từ đầu năm đến nay, hiện tượng mưa đá, lốc xoáy cũng xảy ra liên tục và diễn biến khó lường. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ riêng trong tháng 4-2013, thiên tai đã làm 59 người chết và bị thương; khoảng 23.000 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi, ngập nước, sạt lở, tốc mái, ước tổng thiệt hại lên tới gần 389 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, những hiện tượng này chính là hệ quả của BĐKH toàn cầu đang xảy ra trên diện rộng, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bộ NN&PTNT cho biết, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm, những sự biến đổi dị thường này đã khiến thiên tai ngày một nhiều hơn và khốc liệt hơn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Xuân Diệu (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong những năm qua, BĐKH đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề cho Việt Nam, mặc dù thiệt hại về người tuy có giảm, nhưng thiệt hại về kinh tế lại tăng. Thống kê sau 5 năm (2008-2012) thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, thiên tai đã khiến 1.868 người chết và mất tích, giảm 162 người so với cùng kỳ 5 năm trước (tỷ lệ giảm là 7,9%); gần 3.000 người bị thương, giảm hơn 600 người (tỷ lệ 16,9%). Về tài sản, thiệt hại gần 74.000 tỷ đồng, chiếm 1,48% GDP/năm. Trong khi đó, tỷ lệ cùng kỳ 5 năm 2003-2007 là 1,08% GDP. "Tỷ lệ này cho thấy mục tiêu giảm thiệt hại thấp nhất về tài sản của 5 năm đầu thực hiện Chiến lược quốc gia là chưa đạt. Vì vậy, mục tiêu giảm thiệt hại về tài sản đến mức thấp nhất, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững từ nay đến năm 2020 cần nỗ lực nhiều hơn nữa" - Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Hoàng Văn Thắng phân tích. Hiện có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu vẫn là công tác quy hoạch chưa được quan tâm thích đáng, quy hoạch chưa đi trước một bước, chưa thực hiện một cách bài bản việc lồng ghép yêu cầu phòng ngừa thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH; quy chuẩn xây dựng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đặc điểm thiên tai trong thời kỳ BĐKH toàn cầu; chất lượng thi công công trình xây dựng còn nhiều hạn chế nên mỗi khi thiên tai xảy ra thiệt hại về tài sản vẫn lớn... Ngoài ra, năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống mạng lưới các trạm khí tượng thủy văn, giám sát khí hậu còn thiếu và chưa đáp ứng; khả năng dự báo, cảnh báo còn hạn chế, thời gian dự báo còn ngắn, độ chính xác chưa cao... Một vấn đề tồn tại nữa là những yếu kém trong nhận thức về BĐKH; thể chế, nhân lực triển khai hoạt động ứng phó với BĐKH thiếu đồng bộ, chưa đạt yêu cầu...
Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp nhằm nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH, ngoài hướng dẫn cho người dân biện pháp nhận biết và tự phòng tránh, thì vấn đề quan trọng là cần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, đánh giá được nguy cơ thiên tai. Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị Trung ương 7, BCH Trung ương Đảng khóa XI đã xác định rõ nhiệm vụ để chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Theo đó, nhiệm vụ chung đặt ra là tập trung giải quyết những vấn đề đặc biệt quan tâm như: Triều cường, nước biển dâng gây úng lụt, nhiễm mặn ở các tỉnh ven biển, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; nạn phá rừng, khai thác khoáng sản; phát triển thủy điện tràn lan, gây hậu quả xấu đến xã hội và môi trường... Một ưu tiên khác đối với lĩnh vực đặc biệt quan trọng này là tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, dự kiến Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai sẽ được thông qua. Theo Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Xuân Diệu, nếu dự án luật được thông qua thì công tác phòng, chống thiên tai sẽ chuyển từ giai đoạn thực hiện theo chỉ đạo trở thành thực hiện theo pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý để triển khai công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới hiệu quả hơn.