Giám sát lời hứa của các “tư lệnh” ngành làm căn cứ lấy phiếu tín nhiệm
Chính trị - Ngày đăng : 05:56, 22/05/2013
- Ngày 10-6 tới, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã được cung cấp thông tin “đầu vào” như thế nào để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, thưa ông?
- ĐBQH đã nhận được khá nhiều dữ liệu, hướng dẫn từ UBTVQH. Tôi được biết UBTVQH cũng đang khẩn trương soạn thảo một kịch bản rất chi tiết, cụ thể về vấn đề này để gửi tới từng ĐBQH nhằm giúp cho hoạt động này được tiến hành suôn sẻ, đúng pháp luật.
Đại biểu QH Nguyễn Văn Pha. |
- Một điều cử tri rất quan tâm khi lấy phiếu tín nhiệm, đó là ĐBQH phải kiểm tra thông tin trong bản báo cáo của mỗi chức danh có khách quan, chính xác không. Kinh nghiệm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi cho rằng mỗi đại biểu cần dành thời gian để nghiên cứu kỹ từng bản báo cáo, cả về những kết quả đã làm, cả về tồn tại, hạn chế. Nếu có vấn đề gì thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm chưa rõ mà liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm cụ thể nào đó thì đại biểu cần gửi văn bản đến người đó yêu cầu làm rõ (chậm nhất là 10 ngày trước ngày Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm). Nghị quyết 35 cũng quy định trong trường hợp đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản yêu cầu của đại biểu. Tôi nghĩ chỉ khi nào nghiên cứu thấu đáo các thông tin, có sự trao đổi thỏa đáng các vấn đề chưa rõ thì khi đó đại biểu mới có quyết định chính xác được.
- Qua tổng hợp kiến nghị cử tri, ông thấy nhân dân kỳ vọng gì về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm?
- Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, vì vậy cử tri và nhân dân kiến nghị các ĐBQH nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Để làm tốt việc này, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát; yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực; tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của Quốc hội, UBTVQH.