Nghiêm trị tham nhũng để tránh thất thu

Kinh tế - Ngày đăng : 21:00, 21/05/2013

(HNMO) - Chiều 21- 5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.


Cân nhắc kỹ khi “phá băng” bất động sản

Theo tờ trình của Chính phủ, 7 vấn đề tại luật thuế GTGT sẽ được sửa đổi gồm: đối tượng được miễn thuế, giá tính thuế, thuế suất, ngưỡng đăng ký nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế và giải pháp giảm thuế để “cứu” thị trường bất động sản (BĐS). Theo ĐB Chu Sơn Hà (Đoàn Hà Nội), hiện thị trường BĐS tồn kho khoảng 21.000 căn hộ với lượng vốn tồn đọng hơn 140.000 tỷ đồng. Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành giải pháp giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với những hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Ưu đãi này áp dụng với những hợp đồng phát sinh trong giai đoạn từ 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014. Tuy nhiên, đề xuất này là không khả thi bởi nếu tính toán dưới góc độ DN, nếu xây nhà ở xã hội với diện tích và giá tiền như vậy khó có thể thực hiện được. “Cứu” DN BĐS là điều cần làm nhưng nhà làm xong, NSNN lại một tay lo phần hoàn thiện hạ tầng và nguy cơ thâm hụt sẽ xảy ra. ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, trước khi rót vốn NSNN để “giải cứu” DN, cần nghiên cứu kỹ số lượng và đối tượng phá sản, ngừng hoạt động lớn nhất là ngành nào để đưa tiền hỗ trợ tới đúng đối tượng đang khó khăn nhất. Bởi nếu dựa trên số liệu cụ thể tại Hà Nội, số DN đang khó khăn nhất, phá sản nhiều nhất là DN sản xuất vật liệu xây dựng chứ không phải DN kinh doanh BĐS.

“Cứu” doanh nghiệp phải công bằng

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:
Bỏ khống chế tỷ lệ chi phí quảng cáo là bảo vệ doanh nghiệp nước ngoài

Bỏ hay không bỏ việc khống chế tỷ lệ chi phí quảng cáo trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ngay ở Quốc hội cũng có hai luồng ý kiến. Nhưng qua khảo sát thực tế, ở nước ta, không nhiều doanh nghiệp sử dụng hết tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo theo quy định của luật. Như vậy, nếu không khống chế tỷ lệ chi phí quảng cáo, nghĩa là chúng ta bảo vệ các doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là tập đoàn xuyên quốc gia, thường xuyên có chiến dịch quảng cáo lớn.

Về việc Chính phủ đưa ra quy định, doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn thì được hưởng một số ưu đãi thuế, xuất phát từ chủ trương phát triển công nghiệp phụ trợ và ra rất nhiều chính sách liên quan. Nếu triển khai theo hướng này, mới có thể thu hút đầu tư từ nước ngoài, kích thích phát triển công nghệ, giải quyết việc làm cho người lao động.

Bách Senlược ghi

Góp ý sửa đổi luật thuế TNDN, một sắc thuế có tác động lớn đến “sức khỏe” của hàng trăm ngàn DN, đa số các ĐBQH đều tán thành quan điểm giảm dần thuế suất và nên hướng tới mức thuế suất 20% để “cứu” DN, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay. ĐB Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cũng nêu một ý kiến đáng chú ý. Theo ĐB, mức thuế suất TNDN phổ thông hiện hành 25%, dự thảo sửa thành 22% và riêng DN vừa và nhỏ áp dụng thuế suất 20% là chưa phù hợp. Hiện nay, tất cả DN đều gặp khó khăn, chứ không riêng gì các DN nhỏ. ĐB đề xuất áp dụng mức thuế phổ thông 20% đối với tất cả các DN. Thời gian hỗ trợ nên thực hiện từ 2014-2015 nhằm giúp DN vượt qua khó khăn và kịp tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Góp ý về quy định khống chế chi phí quảng cáo (CPQC) của DN, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nên mạnh dạn bỏ khống chế CPQC, tiếp thị với DN, bởi hiện chỉ còn 2 quốc gia giữ quy định này. Bởi với việc khống chế chi phí này ở mức 10-15% với những DN lớn là đáng kể. Song với DN nhỏ thì mức này phải lên tới 20-40% mới đạt tác dụng. ĐB Nguyệt Hường cũng cho rằng, với DN sản xuất hàng đặc thù như hóa mỹ phẩm, nếu không quảng cáo, tiếp thị nhiều thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ không thể đạt hiệu quả như mong muốn.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) lại đề cập đến vấn đề siết chặt quản lý nhằm tránh thất thu thuế khi thực hiện ưu đãi thuế TNDN. Theo ĐB, mọi sự ưu đãi đều ko có ý nghĩa nhiều nếu như phương pháp hành thu của chúng ta không thay đổi. Đã có DN nước ngoài nói: chúng tôi không xin cơ chế ưu đãi mà mong muốn giảm chi phí hành chính, chi phí trung gian. Phải nghiêm trị tiêu cực, tham nhũng trong ngành thuế, bởi thực tế, đã có người trong ngành thuế bắt tay với DN thay vì đóng 10 đồng, thì đóng 5 đồng, còn lại chung chi, như vậy NSNN sẽ thất thu”, ĐB Trương Trọng Nghĩa chia sẻ...

Được biết, hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT và TNDN dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 19-6-2013.

Hương Ly