Thay đổi trước khi quá muộn

Công nghệ - Ngày đăng : 07:38, 21/05/2013

(HNM) - Việt Nam là một trong những nước phong phú nhất về mặt đa dạng sinh học ở khu vực Đông Nam Á. Song trong khoảng hai chục năm trở lại đây, nhiều loài động vật hoang dã , thực vật đã biến khỏi tự nhiên vĩnh viễn.


Đa dạng sinh học đang bị phá hủy

Theo báo cáo về quan trắc môi trường nước của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 10 quốc gia giàu ĐDSH nhất trên thế giới, với sự có mặt của 10% số loài được biết đến, trong khi diện tích lãnh thổ chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích Trái đất. Việt Nam là nơi cư trú của hơn 275 loài thú có vú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 2.470 loài cá, 5.500 loài côn trùng và 12.000 loài cây (trong đó chỉ có 7.000 loài đã được nhận dạng). Người ta tin rằng, hơn 40% các loài cây bản địa không tồn tại ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Sếu đầu đỏ - một loài quý hiếm trong danh mục được bảo tồn.



Nhưng sự ĐDSH nói chung và ĐVHD nói riêng của Việt Nam đang phải đối mặt với một "cơn bão". Theo ông Jake Brunner, Điều phối viên của Chương trình Mê Kông (Việt Nam, Campuchia và Myanma) của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), có 3 yếu tố tạo nên khả năng trên. Thứ nhất, chủ trương ưu tiên tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ qua có những bất cập. Việc giao quyền hạn cho chính quyền cấp tỉnh ban hành phần lớn các quyết định liên quan đến sử dụng đất dẫn đến nhiều mâu thuẫn về lợi ích giữa đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng và bảo tồn ĐDSH. Thứ hai là xuất khẩu nông sản liên tục tăng trưởng cao, nhưng bên cạnh đó là việc chuyển đổi ồ ạt, thiếu kiểm soát các hệ sinh thái tự nhiên thành ruộng đồng, ao tôm, đồn điền... diễn ra trên quy mô lớn ở một số vùng. Ngành công nghiệp cũng góp phần làm suy giảm môi trường sinh thái như sự bùng phát của ngành sản xuất xi măng với sự gia tăng số lượng doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lạc hậu dẫn đến môi trường bị tàn phá mà không được bồi hoàn. Hiện tượng tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD nguy cấp vẫn diễn ra. Một số người sẵn sàng chấp nhận bất cứ mức giá nào để có được sừng tê giác, cao hổ cốt... Những yếu tố này hội tụ cùng với thực trạng thu hẹp quần thể loài trong tự nhiên đã đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng và thậm chí đã tuyệt chủng.

Ngày Quốc tế ĐDSH năm 2013 có chủ đề "ĐDSH và nước" đề cao vai trò quan trọng của ĐDSH và hệ sinh thái trong việc an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. Ngày 22-5 tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) sẽ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Tuần lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế về ĐDSH.

Bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn

Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là nhìn nhận nguồn ĐDSH quý giá của mình như một tài sản quốc gia và bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn. Bà Naomi Doak, Trưởng đại diện TRAFFIC Đông Nam Á - Chương trình tiểu vùng Mê Kông mở rộng cho biết: Để có thể bảo tồn được những loài sinh vật đặc hữu và quý hiếm, cần nâng cao nhận thức về giá trị của các loài trong cộng đồng. Mặt khác, nội dung về môi trường và ĐDSH đang dần được đưa vào chương trình giáo dục cho học sinh của một số trường tiểu học, cần được trở thành chương trình giáo dục chung.

Theo ông Jake Brunner, các loài ĐVHD đang bị đe dọa trên toàn cầu có ở Việt Nam chia thành hai nhóm: Nhóm được đánh giá là cực kỳ nguy cấp (CR) và loài đặc hữu hoặc gần như đặc hữu ở Việt Nam; nhóm được đánh giá là nguy cấp (EN). Dưới góc độ bảo tồn, các loài thuộc nhóm 1 cần được ưu tiên bảo vệ bởi nếu chúng bị tuyệt chủng ở Việt Nam cũng có nghĩa tuyệt chủng trên toàn cầu. Các loài trong nhóm này có thể kể đến voọc mũi hếch; voọc Cát Bà, voọc mông trắng, vượn đen tuyền Tây Bắc, chà vá chân xám, rùa Trung bộ, gà lôi lam mào trắng và sao la… Cần có chương trình quản lý và giám sát chặt chẽ, sâu sát và các biện pháp bảo vệ liên tục không gián đoạn, thậm chí trong một số trường hợp cần tích cực hỗ trợ quá trình sinh sản của chúng.

Đối với các loài thuộc nhóm 2, vấn đề mấu chốt là phải gắn công tác bảo vệ loài với việc bảo vệ sinh cảnh của chúng, cả trong và ngoài khu bảo tồn. Công tác quản lý khu bảo tồn của Việt Nam bị hạn chế do thiếu một cơ quan điều phối chung, có đủ thẩm quyền và năng lực để hỗ trợ và can thiệp ngay khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần tính đến một thực tế là đang có một số lượng lớn ĐVHD được nuôi nhốt trong các sở thú, trang trại thương mại và trung tâm nhân giống bảo tồn. Về điểm này, có lẽ nên xem xét việc tái thả ĐVHD về môi trường sống của chúng.

Trong tương lai, Việt Nam thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng sản xuất sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, thay thế xu hướng sản xuất gây suy giảm nhanh chóng ĐDSH. Qua đó sẽ giúp Việt Nam tạo dựng hình ảnh "xanh" trong mắt bạn bè quốc tế.

Lương Ninh Giang