Tập trung Đội tuyển Bóng chuyền nam, nữ: Sao nỡ quay lưng?
Thể thao - Ngày đăng : 07:25, 21/05/2013
Danh sách triệu tập đội tuyển nam gồm 18 cầu thủ, còn đội nữ là 14 người. Về nam, "oanh tạc cơ" Ngô Văn Kiều đã trở lại sau thời gian phải tạm rút lui vì chấn thương. Ngoài Ngô Văn Kiều, đội tuyển còn có những tuyển thủ kỳ cựu khác như Hữu Hà, Quang Khánh, Bùi Văn Hải… và một số gương mặt mới như Nguyễn Văn Cao (Thể Công - BĐ 15), Nguyễn Quốc Thái (Công an TP Hồ Chí Minh), Vũ Hồng Quân (Sacombank Biên phòng), trong đó, đáng kể nhất là hai gương mặt mới Duy Khánh (Thể Công - BĐ 15) và Thành Hạc (Đức Long - Gia Lai). Trong đợt tập trung này, ông Phùng Công Hưng (Thể Công - BĐ 15) tiếp tục nhận nhiệm vụ HLV trưởng. Nét mới trong ban huấn luyện đội nam là sự có mặt của HLV Lê Hồng Hảo (Công an TP Hồ Chí Minh), Phạm Văn Nam (TA Ninh Bình) trong vai trò trợ lý.
Tuyển thủ Ngô Văn Kiều (người đập bóng) đã trở lại đội tuyển quốc gia. |
Đội tuyển nữ Việt Nam cũng sẽ có sự bổ sung của những VĐV mới. Trong danh sách "chốt" 14 thành viên sẽ được triệu tập lần này, dự kiến có một số gương mặt trẻ như Âu Hồng Nhung (Thông tin Lienviet postbank), Đinh Thị Hương, Nguyễn Thị Ngân (PKKQ). Tuy nhiên, HLV trưởng Phạm Văn Long chắc chắn vẫn phải tin dùng những cựu binh như Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Xuân, Hà Thị Hoa, Phạm Kim Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Tạ Diệu Linh - những tuyển thủ tạo nên xương sống của đội tuyển nữ và vào thời điểm hiện tại, rất khó để tìm ra người đủ khả năng thay thế họ. Năm nay, đội nữ có sự thay đổi ở vị trí trợ lý, HLV Nguyễn Văn Dũng (NH Công thương) và HLV Phạm Thị Ngọc Anh (PKKQ) lên tuyển song hành cùng ông Phạm Văn Long.
Vẫn có người "lắc đầu"
Đã có thông tin về chuyện cầu thủ được triệu tập tỏ ra ngán ngẩm, như Huỳnh Văn Tuấn và Nguyễn Hoàng Thương (Maseco TP Hồ Chí Minh) mới đây đã ngỏ ý muốn rút lui, không ra Hà Nội tập trung cùng đội tuyển kỳ này.
Sẵn sàng tập trung khi được triệu tập vào đội tuyển được khẳng định là nghĩa vụ quốc gia, nhưng quyết định lên hay không lên ĐTQG phụ thuộc vào cá nhân vận động viên và tác động từ phía CLB. Còn nhớ, ở đợt tập trung đội tuyển vào năm ngoái, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã phải gửi giấy mời về từng CLB, xin ý kiến xem có đồng ý để VĐV lên tập trung đội tuyển hay không. Sau quá trình "tham vấn", khi gút danh sách ban huấn luyện đã thay đổi thành phần đội tuyển rất nhiều, đơn giản vì có nhiều cầu thủ "lắc đầu", lý do thường là vướng bận việc gia đình. Thực tế cho thấy, VĐV đang thờ ơ với trách nhiệm quốc gia, Liên đoàn "khó nói" bởi hiện không có chế tài xử phạt hay cảnh cáo cầu thủ khi họ từ chối lên tuyển mà không có lý do chính đáng.
Tuy thế, nói đi thì cũng phải nói lại, mà quan trọng nhất là danh hiệu "tuyển thủ bóng chuyền quốc gia" chưa đủ "sức nặng". Theo quy định, cầu thủ lên ĐTQG được hưởng lương, tiền công tập luyện, nhưng phải cắt mọi chế độ ở CLB. Chuyện không chỉ có thế, đã không ít lần cầu thủ cùng ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền không được nhận lương, tiền công đúng hạn. Một số tuyển thủ tiết lộ, tiền vé tàu xe nhẽ ra phải được thanh toán theo quy định của ngành thể thao đối với tuyển thủ quốc gia, vậy mà nhiều khi đợi dài cổ chẳng thấy…
Từ chuyện tập trung ĐTQG, bóng chuyền Việt Nam rõ ra là còn nhiều điều cần khắc phục. Tuy thế, dù chuyện lương, thưởng, chế độ cần phải khắc phục nhằm bảo đảm điều kiện tối thiểu để các tuyển thủ cống hiến hết mình, người ta nói rằng ngay các VĐV cũng cần thay đổi quan niệm về việc lên tuyển. Đó không chỉ là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm và niềm vinh dự lớn lao, không thể "lắc đầu" một cách đơn giản.