Tìm kiếm cơ hội chiến lược
Thế giới - Ngày đăng : 07:12, 21/05/2013
Nhưng hai ngày sau đó, ông mới có cuộc hội đàm chính thức với chủ nhân Nhà Trắng Barack Obama tại thủ đô Washington. Thảo luận về những thách thức còn tồn đọng trong nỗ lực cải cách ở quốc gia Đông Nam Á, giải quyết vấn đề căng thẳng sắc tộc hiện nay, mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho người dân Myanmar và việc nước Mỹ có thể giúp đỡ tiến trình mở cửa tại đất nước này như thế nào là những chủ đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo.
Tổng thống Myanmar Thein Sein (phải) hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Nối tiếp chuyến thăm Myanmar của Tổng thống Obama hồi cuối năm ngoái, sự hiện diện của người đứng đầu xứ sở Ngọc bích đã ghi dấu ấn lịch sử trong mối quan hệ vốn không nồng ấm giữa hai nước. Thực tế, trước khi tiến trình chuyển đổi bước ngoặt được các học giả thế giới gọi bằng cái tên "Mùa xuân Myanmar" diễn ra năm 2011, quốc gia Đông Nam Á đã phải hứng chịu các cơ chế trừng phạt cứng rắn bậc nhất của Mỹ và phương Tây trong suốt gần nửa thế kỷ. Song sự thay đổi không ngờ đã bắt đầu kể từ khi ông Thein Sein lên làm tổng thống. Vị cựu đại tướng quân đội này đã thổi làn gió mới vào đất nước Myanmar với các kế hoạch đổi mới, từng bước mở cửa nền kinh tế, nới lỏng kiểm soát truyền thông, cho phép lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi và đảng của bà hoạt động tranh cử cũng như xây dựng văn hóa đối thoại chính trị. Các nỗ lực cải cách đã giúp Naypyidaw rũ bỏ được gánh nặng cấm vận của phương Tây và thu hút đầu tư nước ngoài một cách ngoạn mục. Từ một quốc gia nghèo nàn, cô độc và khép kín, chỉ hai năm sau khi tiến hành cải cách kinh tế và chính trị, Myanmar giờ đây đang trở thành biểu tượng cho sự thay đổi được mô tả là điều thần kỳ ở Châu Á.
Bước chuyển mình của đất nước hơn 54 triệu dân được nhìn nhận có sự hợp tác cởi mở của Mỹ. Sau hơn hai thập niên căng thẳng và đối đầu, quan hệ Mỹ - Myanmar nhanh chóng được cải thiện và liên tục mở rộng trên nhiều lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế. Sau các doanh nghiệp Châu Âu, giới doanh nghiệp Mỹ đã nhìn nhận Myanmar như một miền đất đầy hứa hẹn. Các chuyến thăm viếng lẫn nhau nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư diễn ra dồn dập. Tháng 3, Chủ tịch Google đã có chuyến thăm Myanmar. Tháng 4, Hãng ô tô Ford tuyên bố sẽ gia nhập thị trường này. Ngay sau đó, Tập đoàn Khách sạn Hilton cũng khởi công xây dựng một khách sạn ngay đối diện Chùa vàng Sule trong khi hãng đồ ăn nhanh danh tiếng KFC đang rục rịch tuyển nhân viên cho việc mở rộng kinh doanh ở đây.
Dù rằng còn tồn đọng một số vấn đề sắc tộc nhưng tiến trình mở rộng dân chủ đã khiến Myanmar thoát khỏi chiếc vòng kim cô cấm vận, từng bước trở thành một quốc gia độc lập đích thực, tạo dựng chỗ đứng xứng đáng trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, đối với Washington, việc có vai trò trong kế hoạch thúc đẩy cải cách tại đất nước nằm ở vị trí địa lý chiến lược giữa Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Thái Lan có ý nghĩa quan trọng với chiến lược xoay trục về Châu Á của Mỹ. Thông qua vị trí "bà đỡ" tích cực cho những thay đổi của Naypyidaw, Washington đã đánh dấu sự hiện diện tại quốc gia mà xứ Cờ hoa chưa từng có ảnh hưởng truyền thống. Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Obama đã tạo cơ sở vững chắc cho các kế hoạch tái cân bằng quyền lực tại khu vực đang có sự xáo trộn mạnh mẽ.
Do vậy, việc Nhà Trắng trải thảm đỏ chào đón ông Thein Sein đã thể hiện sự ủng hộ rõ ràng của Washington đối với tiến trình cải cách ở Naypyidaw. Sự kiện này cũng tạo ra một cơ hội chiến lược cho Myanmar trong nỗ lực phát triển đất nước, đồng thời mang đến những sắc thái mới mẻ và tích cực cho bức tranh chính trị, kinh tế cả khu vực Đông Nam Á và Châu Á.