Đáp ứng nguyện vọng của người dân

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:48, 21/05/2013

(HNM) - Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội trong sự kỳ vọng của đông đảo người dân.

Từ nội dung đến cách tổ chức, hoạt động của các kỳ họp ngày càng sát với đời sống, dân chủ được mở rộng, điều kiện để cử tri giám sát hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội ngày càng được tăng cường. Kỳ họp lần này cụ thể hóa hơn một bước những đổi mới đó, thể chế hóa chủ trương cải cách chính trị của Đảng, giải quyết nhiều vấn đề then chốt của đất nước, mở rộng quyền kiểm soát của cử tri qua các phương tiện thông tin. Trong hàng loạt vấn đề quan trọng của chương trình nghị sự, có nhiều vấn đề lần đầu tiên diễn ra, thể hiện quá trình đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu trong hoạt động của Quốc hội được nhân dân chờ đợi.

Kỳ họp Quốc hội sẽ là diễn đàn dân chủ, công khai về các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái trầm trọng của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đang ở đâu, mặt mạnh và mặt yếu của nó là gì, kinh nghiệm gì được rút ra trong quản lý, điều hành nền kinh tế, triển vọng của kinh tế Việt Nam như thế nào trong thời gian tới… sẽ là những vấn đề được cử tri, các doanh nghiệp, nhiều cơ quan kinh tế tổng hợp chờ đợi lời giải đáp từ nghị trường. Những quyết sách của Quốc hội sẽ là định hướng quan trọng cho đất nước trong thời điểm rất nhiều khó khăn này.

Trong các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, kỳ họp lần này sẽ bàn về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, một dự luật liên quan trực tiếp đến 60 triệu nông dân, đến bản chất cũng như sự vững bền của chế độ. Đất đai là công cụ sản xuất chủ yếu, khẳng định quyền sở hữu đất đai sẽ quyết định tới bản chất của chế độ, nhưng giữ vững nguyên tắc đồng thời quan tâm tới quyền lợi chính đáng của người dân cũng là động lực quyết định sự phát triển sản xuất, bảo đảm công bằng xã hội, giữ vững thành quả cách mạng. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là một trong những nội dung của kỳ họp Quốc hội được cử tri theo dõi sát sao nhất. Giải quyết thấu tình đạt lý vấn đề đất đai là động lực to lớn để đưa nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, vững bước trên con đường phát triển, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng giải tỏa những thắc mắc, bức xúc, những cuộc khiếu kiện và nhiều vấn đề gắn với ruộng đất.

Kỳ họp lần này lần đầu tiên thực hiện việc bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, điều mà vì lý do này hoặc lý do khác, 20 năm nay chưa thực hiện được. Đây là một dấu mốc quan trọng trong việc cải cách chính trị theo chủ trương của Đảng, đổi mới tổ chức Nhà nước, dân chủ hóa xã hội, tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của người dân trong một nhà nước của dân, do dân, vì dân. Người dân mong các đại biểu Quốc hội sáng suốt, nhận thức chính trị cao, công tâm, khách quan khi thể hiện quyền và trách nhiệm của mình. Trong 1.780 ý kiến cử tri gửi lên Quốc hội đã có rất nhiều ý kiến thể hiện điều ấy.

Các cử tri cũng rất cần biết ý kiến của Quốc hội sau 26 triệu ý kiến, 28 nghìn cuộc hội nghị, hội thảo về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như thế nào. Qua cuộc sinh hoạt chính trị rộng rãi, công khai, dân chủ, đại đa số nhân dân đã thể hiện nguyện vọng của mình trong nhiều vấn đề hệ trọng bậc nhất của đất nước và dân tộc. Mong muốn các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp này một lần nữa thể hiện được ý nguyện chính đáng của người dân đã 83 năm theo Đảng làm cách mạng và sẽ tiếp tục thực hiện giấc mơ xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Kỳ họp này Quốc hội dành 9 ngày (34% thời gian) để nhân dân giám sát chương trình nghị sự qua các phương tiện báo chí phát thanh, truyền hình trực tiếp. Đó là một thuận lợi lớn đồng thời cũng là trách nhiệm lớn đối với các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Mong muốn sau mỗi kỳ họp, quan hệ giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước ngày càng gắn bó và tin cậy.

Vũ Duy Thông