Doanh nghiệp FDI than khó về thủ tục hải quan, cơ sở hạ tầng
Bất động sản - Ngày đăng : 14:12, 20/05/2013
Ý kiến từ Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết: Dù nằm trong hệ thống ưu tiên, được tạo điều kiện tối đa trong xuất khẩu hàng hóa, nhưng ngành hải quan vẫn cần cắt giảm một số thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu linh kiện.
Bên cạnh đó, đại diện của Uniden Việt Nam cho rằng, việc khai hải quan điện tử cần được cải tiến để có thể nhanh chóng và kịp thời hơn; cần rút ngắn thời gian cũng như lệ phí phê duyệt các ấn phẩm được nhập về Việt Nam làm tài liệu hướng dẫn sản phẩm.
Đại diện của Công ty TNHH Samsung Việt Nam cho biết: Samsung Việt Nam hiện đang sử dụng khoảng 33.000 lao động làm việc tại Bắc Ninh. Một nửa trong số lao động đến từ các địa phương khác, nhiều lao động đến tuổi lập gia đình cần có nhà để ở, trường cho con đi học. Samsung và chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã có những nỗ lực trong vấn đề xây nhà lưu trú cho công nhân, xây dựng nhà trẻ, trường học gần nhà máy để tạo điều kiện cho người lao động. Tuy nhiên, Samsung kiến nghị các cơ quan nhà nước cần có nhiều biện pháp hơn nữa trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo môi trường tốt nhất cho người lao động, để họ yên tâm gắn bó với công việc, giúp DN có nguồn nhân lực ổn định.
Ngoài ra, các DN FDI cũng than phiền về hệ thống đường xá, cảng biển của Việt Nam còn phát triển hạn chế, phí cao làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa của các DN.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế, đặc biệt là trong công nghiệp và xuất nhập khẩu; góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là nền kinh tế đang trên đà chuyển đổi, do đó, hệ thống chính sách, pháp luật dù cố gắng hoàn thiện vẫn không thể tránh khỏi những điểm chưa hợp lý. Chính phủ đang hết sức nỗ lực đấu tranh chống tiêu cực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Với những khó khăn chưa thể tháo gỡ ngay lập tức. Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các DN và sẽ sửa đổi những vấn đề chưa hợp lý trong thời gian sớm nhất.
Trong quý I-2013, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đạt 19,1 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2012. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành, lĩnh vực; trong đó "nóng" nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa. Trong lĩnh vực xuất khẩu, đóng góp của DN FDI chiếm tỷ trọng khoảng 75%, có nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối, như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại… Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp FDI phần lớn là nhập khẩu nguyên liệu, gia công xuất khẩu, hàm lượng giá tị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa còn chưa cao. Nhìn chung, DN FDI là nhân tố chính giúp cán cân thương mại thặng dư. Quý I-2013, khu vực DN FDI xuất siêu 1,18 tỷ USD góp phần đem lại thặng dư thương mại của cả nước ở mức 278 triệu USD. |