Taxi gian lận cước: Phải xử nặng, phạt mạnh

Đời sống - Ngày đăng : 06:40, 20/05/2013

(HNM) - Những hành vi gian lận cước taxi diễn ra liên tục trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận. Thậm chí, có lái xe vừa bị cơ quan chức năng xử lý lại tiếp tục vi phạm.

Hoạt động taxi hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng gian lận cước. Ảnh: Phương An


"Tên tuổi" cũng gian lận

Nếu như vài năm trước đây, mỗi khi đề cập tới hành vi lái xe taxi làm cách này cách nọ gian lận cước nhằm móc túi khách hàng, đại diện cơ quan chức năng thường khẳng định đó là hành vi của các lái xe "dù" và khuyến cáo hành khách mỗi khi bước lên xe nên chủ động chọn các hãng tên tuổi, có logo, phù hiệu. Nhưng gần đây, ngay cả lái xe taxi các hãng "xịn", được Sở GTVT Hà Nội cấp phép vẫn vi phạm, trắng trợn móc túi khách hàng. Điển hình ngày 28-4, lái xe taxi hãng Trung Việt mang biển kiểm soát (BKS) 30P-4009, lấy 980.000 đồng của khách du lịch mang quốc tịch Australia đối với quãng đường chỉ 7km. Sau đó ít ngày, tài xế taxi của hãng Thanh Nga mang BKS 30F-5695 cũng "vô tư" lấy của cặp vợ chồng người Ireland 480.000 đồng đối với quãng đường không đầy 2km trong khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm. Hai vụ việc này chỉ bị phát hiện khi hành khách chụp ảnh lưu các bằng chứng và tố cáo tới cơ quan chức năng.

Không chỉ du khách nước ngoài, ngay cả người Việt Nam cũng bị đội ngũ lái xe taxi ngang nhiên "móc túi". Thậm chí, có tài xế taxi của hãng Trung Việt mang BKS 30U-3430 vừa bị lực lượng chức năng xử lý vào cuối tháng 4-2013 đã lại bị xử lý tiếp vào đầu tháng 5 với cùng hành vi gian lận cước.

Một số cán bộ Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, lái xe taxi hiện có nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm gian lận cước. Trước đây, hầu hết chỉ gian lận bằng hình thức gắn chíp điện tử vào đồng hồ thì nay đã xuất hiện cả hình thức sử dụng điện thoại di động, chìa khóa để điều khiển đồng hồ tính cước (như trường hợp tài xế taxi BKS 31S-7236 của hãng Ngọc Linh sử dụng điện thoại di động để điều khiển đồng hồ cước; tài xế taxi BKS 29A-34.110 của hãng Hương Lam sử dụng khóa mở cửa để điều khiển chip gắn vào đồng hồ cước đã bị lực lượng thanh tra GTVT phát hiện trong ngày 8-5)… Ngoài các hãng đã kể trên, còn nhiều hãng khác cũng bị lực lượng chức năng phát hiện gian lận cước như taxi Hà Nội Mới, taxi Sông Hồng…

Đồng hồ tính cước tự in hóa đơn - Vì sao phản đối?

Có thể khẳng định những hành vi nói trên là rất nghiêm trọng, tuy nhiên mức phạt mà cơ quan chức năng đã áp dụng cho lái xe và DN có lái xe vi phạm lại quá nhẹ. Điểm chung của các biên bản xử phạt chỉ là: Thu giữ hiện vật vi phạm (tức điện thoại, chìa khóa và con chíp điện tử để điều khiển đồng hồ) và tạm giữ phương tiện, mời đại diện DN lên làm việc. Sau đó, DN nhận lỗi, hứa hẹn sửa chữa và về "tự xử" lái xe, để rồi đâu lại vào đấy. Có DN phạt lái xe vài triệu đồng, cắt hợp đồng lao động trước hạn nhưng lái xe này hoàn toàn dễ dàng đầu quân cho một hãng khác. Một lái xe nửa đùa nửa thật: lái xe bây giờ chỉ sợ "con nghiện" quỵt tiền. Xe của mình bỏ tiền mua muốn đeo logo, phù hiệu hãng nào chỉ việc nộp 2 triệu đồng/tháng, tha hồ chạy.

Theo ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, hoạt động taxi hiện nay quá manh mún, không ít DN hoạt động theo kiểu chộp giật. Nhiều DN hoạt động dạng cổ phần, cho thuê logo, tổng đài… rồi hằng tháng thu tiền nên không quản lý được lái xe vì không có sự ràng buộc. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không xử phạt được vì không có chế tài. Rồi tình trạng lái xe taxi không có chứng chỉ hoặc thuê lại xe taxi theo giờ cũng khá phổ biến.

UBND TP Hà Nội đã tổ chức một hội nghị lớn với sự tham gia của lãnh đạo Sở GTVT, Hiệp hội Taxi Hà Nội cùng đại diện nhiều DN taxi để bàn về "Đề án quản lý vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn Hà Nội đến năm 2015 và định hướng đến năm 2030". Tại hội nghị, có hai trong nhiều nội dung đã bị đại diện các DN phản đối. Thứ nhất, quy định sáp nhập các hãng nhỏ lại với nhau để dễ cho công tác quản lý. Thứ hai, quy định ngay trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015, DN taxi bắt buộc phải có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn, trong hóa đơn phải có tên và số điện thoại của hãng; mã số, mã vạch của đồng hồ; số hiệu chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; tổng số tiền phải trả… Sự phản đối này khiến cho đề án đến nay vẫn không thể triển khai. Nhưng với hiện trạng "loạn" như hiện nay, Hà Nội cần sớm hoàn chỉnh đề án này để triển khai trên địa bàn. Bên cạnh đó, với những hãng taxi đã bị xử lý nhiều lần nhưng vẫn tái phạm cần quyết liệt thu hồi giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động của DN chứ không chỉ "giơ cao đánh khẽ". Toàn TP có 117 DN được cấp phép và đang hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi với hơn 17.000 xe nhưng trong vài ba năm qua, số DN bị thu hồi giấy phép đếm trên đầu ngón tay. Chỉ có xử nặng, phạt mạnh mới hy vọng đưa hoạt động taxi vào khuôn khổ. Trước mắt, giải pháp vẫn là khách hàng nên chủ động tẩy chay các hãng taxi có "vết" để tránh bị mất tiền oan.

Hiệp hội Taxi Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng để hành khách phản ánh về chất lượng phục vụ cũng như giá cước của các hãng taxi, gồm hai số điện thoại: 04.37710851 - 04.38525252.

Tuấn Lương