Bảo vệ và phát triển rừng: Bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém

Xã hội - Ngày đăng : 06:19, 20/05/2013

(HNM) - Tính đến hết quý I năm 2013, cả nước đã phát hiện 455 vụ phá rừng trái pháp luật, trong đó có 278 vụ phá rừng làm nương rẫy, 368 vụ khai thác rừng trái phép, với diện tích rừng bị phá lên tới hơn 200ha.



Ngoài ra, cả nước phát hiện gần 3.000 vụ vi phạm về mua bán, vận chuyển và chế biến lâm sản trái pháp luật. Số vụ cháy rừng giảm còn 59 vụ (giảm 29 vụ so với cùng kỳ năm trước) song diện tích rừng bị thiệt hại lại tăng 68%, diện tích rừng bị cháy khoảng 436ha. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, số vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng có giảm, song tình trạng phá rừng, cháy rừng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Ngoài ra, tình trạng phá rừng làm nương rẫy đang diễn biến khá phức tạp tại các tỉnh, sự xâm phạm, khai thác gỗ tại các vườn quốc gia, các khu rừng lớn ngày càng tinh vi hơn và hiện tượng nông dân đốt rừng làm nương vẫn ở mức cao. Đó là chưa kể lực lượng kiểm lâm còn mỏng, địa phương nào cũng thiếu; việc đầu tư trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng chưa được quan tâm...

Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí


Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Đặng Đình Phúc, Hà Nội hiện có hơn 32.000ha đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó riêng diện tích đất rừng là gần 25.000ha. Phần lớn rừng ở Hà Nội là rừng trồng có tầng thực bì dưới các tán rừng dày, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Không những thế, rừng ở một số huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức... còn xen kẽ với các khu dân cư, các công trình văn hóa, du lịch. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xảy ra 8 vụ cháy rừng, với diện tích 16,39ha, tập trung chủ yếu ở huyện Sóc Sơn. Việc quản lý đất rừng còn gặp nhiều khó khăn, do nhiều đơn vị quản lý khác nhau. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân theo chủ quản lý gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng - 10.000ha; hộ gia đình - 9.900ha; doanh nghiệp nhà nước - 4.000ha; đơn vị lực lượng vũ trang - 1.100ha và tổ chức tập thể khác - 4.000ha. Đặc biệt, công tác quản lý rừng ở Sóc Sơn vẫn là điểm nóng khó giải quyết của Hà Nội. Sóc Sơn có gần 4.000ha rừng phòng hộ trải dài ở 11 xã thuộc quyền quản lý của các đơn vị khác nhau nên tình trạng bán đất rừng, cháy rừng khó được kiểm soát và 80% số vụ cháy rừng của Hà Nội hằng năm xảy ra tại Sóc Sơn. Trong nhiều năm qua, việc chuyển nhượng đất rừng đã bộc lộ những yếu kém trong quản lý đất rừng của Sóc Sơn. Theo kết luận của Thanh tra Sở TN&MT, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển lâm nghiệp Sóc Sơn đã cho thuê nhà xưởng trái phép, tự ý xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao trên diện tích 3.000m2 đất rừng; thiếu trách nhiệm để các hộ gia đình tự mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng nhà ở, sân, hàng rào kiên cố. Để chấn chỉnh công tác quản lý đất rừng tại Sóc Sơn, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND huyện Sóc Sơn rà soát, kiểm tra việc xây dựng công trình của các hộ gia đình, cá nhân trên đất lâm nghiệp để xác định rõ đúng sai, từ đó có phương án giải quyết.

Ba Vì là huyện có diện tích rừng lớn nhất của thành phố, với diện tích hơn 11.000ha, tập trung chủ yếu ở 7 xã thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Ba Vì. Để quản lý chặt chẽ đất rừng, bảo vệ và phát triển rừng, thành phố ưu tiên đầu tư ngân sách cho trồng rừng, khoán bảo vệ rừng, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ trồng, bảo vệ rừng theo dự án đầu tư. Về lâu dài, cần xã hội hóa nghề rừng nhằm thu hút vốn của các nhà đầu tư, hộ dân bằng các chính sách khuyến khích về quyền hưởng lợi, thuê rừng, thuê môi trường rừng, kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao, ưu đãi tín dụng, tiến tới giảm dần vốn đầu tư của Nhà nước cho lâm nghiệp theo lộ trình hợp lý.

Đỗ Minh