Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn
Chính trị - Ngày đăng : 06:13, 20/05/2013
Trong Di chúc để lại, Người căn dặn: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Theo PGS, TS Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Học viện Xây dựng Đảng, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trước tiên là thực hành tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cách tốt nhất, hữu hiệu nhất để phát huy ưu điểm, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong cán bộ đảng viên và phải làm việc này như "rửa mặt hằng ngày".
Dưới sự rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta thường xuyên chăm lo chỉnh đốn đội ngũ, thu được nhiều kết quả quan trọng, giúp Đảng không ngừng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, kết quả xây dựng và chỉnh đốn Đảng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Sau hơn 25 năm đổi mới, tiếp tục đường lối tư tưởng đúng đắn của Bác, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết TƯ 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đây là văn kiện được đánh giá là có tầm vóc lịch sử, hòa quyện ý Đảng với lòng dân.
Trong Nghị quyết, Đảng thẳng thắn chỉ rõ: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...". Đảng đề ra 4 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Trong đó nhóm giải pháp số một là "tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên". Đây là giải pháp chỉnh đốn Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc. GS, TS Hoàng Chí Bảo (Ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ) phân tích: "Ý nghĩa đạo lý và tác dụng giáo dục đạo đức của tự phê bình và phê bình, của kỷ luật là ở chỗ, mỗi người, mỗi tổ chức phải biết tự thức tỉnh, tự phán xét theo lương tâm, danh dự của mình để từ bỏ điều xấu, để vươn tới điều tốt, hướng thiện, hành thiện. Người bình thường đã vậy, người đảng viên với vai trò chiến sỹ tiên phong càng phải như vậy". GS nhận định: Một trong những giá trị và ý nghĩa lớn nhất của Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), của tự phê bình và phê bình là ở tính cảnh báo, sự thúc giục thức tỉnh và tính răn đe.
Nhóm giải pháp đầu tiên có liên hệ mật thiết với các nhóm giải pháp khác và ngược lại. Khi cá nhân cán bộ, đảng viên được thức tỉnh, tự soi xét lại mình thì không gì hơn là soi vào tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh để tu sửa bản thân. Trong nhóm giải pháp thứ tư về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Đảng xác định giải pháp đầu tiên là tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TƯ, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả. Có thể nói, Người không những dẫn lối chỉ đường cho Đảng ta kịp thời đề ra quyết sách xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ của mình mà bằng tấm gương đạo đức cao cả, sáng trong, Người còn "trao" cho Đảng giải pháp hàng đầu để thực hiện Nghị quyết TƯ 4.
Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) vừa được sơ kết sau một năm thực hiện tại Hội nghị TƯ 7, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị vừa được sơ kết hai năm thực hiện cách đây mấy ngày. Quá trình thực hiện hai nhiệm vụ trên có sự gắn bó mật thiết, tương tác lẫn nhau. Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh khẳng định, quá trình triển khai những nội dung của Chỉ thị 03 cũng là góp phần thực hiện tốt Nghị quyết TƯ 4. Một số nội dung có sự kết nối, gắn bó chặt chẽ với nhau như nêu gương của cán bộ, đảng viên; kiểm tra, giám sát... Triển khai, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng chính là thực hiện tốt Nghị quyết TƯ 4 và ngược lại. Đồng chí cho rằng: "Gắn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 sẽ góp phần khuyến khích, nhân rộng các điển hình tiên tiến, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực. Đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống".
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Một Đảng, một dân tộc và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, được mọi người yêu mến, kính phục, không có nghĩa là hôm nay vẫn được mọi người tôn trọng, nếu như lòng dạ không trong sáng nữa, sa vào chủ nghĩa cá nhân". Những lời dạy của Người là kim chỉ nam để Đảng ta, dân tộc ta, mỗi tập thể hay mỗi cá nhân phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, để mỗi lần nghĩ về Bác lại thêm kính trọng Người, để rồi học tập và làm theo, để được trong sáng hơn lên.