Tai nạn giao thông: Vấn nạn ý thức?
Xã hội - Ngày đăng : 05:45, 20/05/2013
Tức là, mỗi ngày trung bình có hơn 30 người phải vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống. Chưa kể, bình quân mỗi năm Việt Nam mất đi khoảng 40 nghìn tỷ đồng để khắc phục TNGT. Có người so sánh TNGT với những mất mát của chiến tranh. Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng. Chiến tranh tàn khốc, để lại hậu quả nặng nề, là nỗi đau của nhân loại tiến bộ. TNGT không đủ sức gây những cú sốc lớn nhưng hậu quả cũng không kém phần khủng khiếp. Bởi thẳm sâu sau những mất mát là những nỗi đau không gì có thể bù đắp: Mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, những số phận thiệt thòi, những mảnh đời nghiệt ngã… Không gì quý hơn sinh mạng con người, thiệt hại do TNGT gây ra là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn TNGT nhức nhối như hiện nay: Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót; cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của xã hội; chế tài xử lý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng chưa quyết liệt, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh… Tất cả đều đúng! Nghị trường Quốc hội, các phương tiện thông tin truyền thông nhiều lúc "nóng" vì TNGT. Quan chức nhà nước, giới học giả và cả những người dân bình thường đã đưa ra nhiều giải pháp; cơ quan chuyên trách về an toàn giao thông được thành lập; cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông được tăng cường; đường sá được nâng cấp, phương tiện "quá đát" bị cấm lưu hành; luật pháp được phổ biến rộng rãi… thế nhưng TNGT vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Vì sao như vậy? Có lẽ, nguyên nhân cốt lõi nhất là người dân và cả những người tham gia tổ chức, quản lý, điều hành giao thông chưa có ý thức thượng tôn pháp luật.
Lối tư duy "đường ta, ta cứ đi" đã ăn vào máu nhiều người. Chúng ta có thể bắt gặp trên mọi nẻo đường những hành vi phản văn hóa, thiếu ý thức và đó chính là nguyên nhân gây TNGT. Ông Iwata Shizuo, Giám đốc Công ty Almec, một chuyên gia về giao thông đã sống ở Việt Nam hơn 15 năm, cho rằng 90% số vụ TNGT xảy ra không phải tại cơ sở hạ tầng mà do lỗi con người. "Một gia đình đi xe máy, người chồng vừa lái xe vừa nhắn tin, phía trước có một đứa con, phía sau chở một đứa nữa và người vợ, cả nhà đều không đội mũ bảo hiểm... nhìn không khác nào là đi tự sát…" - Vị chuyên gia này nhận xét. Không ai không sợ tai nạn, nhưng thói quen phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường... dường như luôn lấn át sự sợ hãi. Khi nỗi sợ hãi đã trở thành thứ yếu thì chuyện vi phạm pháp luật về giao thông sẽ trở thành "câu chuyện thường ngày" của không ít người.
Do vậy, vấn đề đầu tiên, cũng là vấn đề quan trọng nhất để giảm thiểu TNGT là việc nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Bởi lẽ, đa số vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bắt nguồn từ sự tùy tiện, thiếu tự giác, cố tình vi phạm luật giao thông của người điều khiển phương tiện. Với thực trạng giao thông hiện nay, chỉ một lần vượt đèn đỏ, uống rượu, bia quá mức, lấn tuyến, chạy ngược chiều... cũng có thể dẫn đến những cái chết oan nghiệt,
gây đau khổ cho bao gia đình. Bản thân người vi phạm cũng tổn thất nặng nề về tiền bạc, sức khỏe, chịu tù tội, thậm chí mất mạng. Thế nhưng người ta vẫn cứ "nhắm mắt", bởi với nhiều người, TNGT không phải của họ mà là của người khác. Khi ra tòa có người ăn năn, hối hận: "Nếu hôm ấy... thì đã không...", nhưng sinh mạng con người không cho phép tồn tại chữ "nếu".
Theo một nhà nghiên cứu, TNGT tất yếu sẽ xảy ra khi người làm công tác quy hoạch chỉ có tầm nhìn cho một đô thị vài chục vạn dân đi bộ hoặc xe đạp, trong khi đô thị đó phải "oằn mình" chứa
cả hàng triệu người, phương tiện giao thông tăng nhanh chóng mặt. Sự thiển cận, thực dụng, cũ kỹ trong tư duy cũng như thiếu khoa học dự báo của các nhà làm quy hoạch đã làm cho nhiều đô thị phát triển mất cân đối, gây nên những bế tắc về hạ tầng công cộng, hệ thống giao thông… Điều này hoàn toàn đúng. Để hạn chế và ngăn ngừa TNGT không chỉ cần ý thức của người tham gia giao thông mà quan trọng hơn là ý thức của những người có trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành và các đơn vị xây dựng hạ tầng giao thông.
Nếu hệ thống công trình hạ tầng giao thông được quy hoạch xây dựng và tổ chức điều phối khoa học, hiệu quả, chắc chắn tai nạn sẽ ít xảy ra do khó có "xung đột". Nhà nước đã đổ không biết bao nhiêu tiền của vào các công trình giao thông nhưng hạ tầng giao thông nước nhà vẫn như… "con ngựa già phải thồ trên lưng quá nhiều hàng hóa". Hệ thống đường bộ phải ôm đồm, chồng chéo, đan xen nhiều loại hình phương tiện; đường ngang dân sinh, đường gom, cầu vượt thiếu và yếu kém... Chưa kể tình trạng hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh do chất lượng thi công, do quá tải. Nhiều đại lộ mới thông xe vài ba tháng đã lún thành vệt, gập ghềnh, lồi lõm... không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT do mất lái, va quệt khi tham gia giao thông...
Một vấn đề bức xúc khác là quy trình đào tạo lái xe và cấp phép lưu hành cho các phương tiện giao thông hiện nay. Có hay không chuyện "trục lợi" để hàng vạn phương tiện không đủ điều kiện an toàn vẫn tham gia giao thông, hàng vạn người không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện vẫn được cấp giấy phép? Câu hỏi này không quá khó, công luận đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này. Hoàn toàn có thể đặt vấn đề về trách nhiệm với không ít người làm công tác đào tạo lái xe, cấp phép cho các phương tiện tham gia giao thông. Khi những người có trách nhiệm không ý thức, hoặc vô cảm thì chính những người sử dụng phương tiện cũng phải "chịu trận", còn với người tham gia giao thông, "họa vô đơn chí" có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Đáng nói hơn là các hình thức kiểm tra, giám sát vẫn nặng thói phong trào và bệnh hình thức, thường chỉ là "phát động thi đua", "ra quân" rồi để đó. Và mọi nỗ lực của các cơ quan chức năng gần như chỉ dừng lại ở mức "không gia tăng thêm tỷ lệ chết và bị thương". Tuy nhiên, điều đó cũng rất xa vời trong bối cảnh ý thức tôn trọng pháp luật của người dân rất kém như hiện nay... Chưa kể lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông không làm tròn phận sự trong việc ngăn chặn tai nạn. Thậm chí, có nhiều trường hợp nhân nhượng, thỏa hiệp với người vi phạm để trục lợi. Khi người vi phạm vẫn có thể tìm giải pháp "gọi điện thoại cho người thân", khi các trường hợp không chấp hành quy định của pháp luật không bị xử lý thích đáng sẽ dẫn đến hiện tượng "nhờn luật". Và khi người ta đã "xin là được" sẽ dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, coi thường những người thực thi công vụ bảo vệ pháp luật... hệ lụy sẽ không thể lường hết. Do vậy, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm công vụ của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng hết sức cần thiết bên cạnh việc nâng cao ý thức tôn trọng luật pháp của người tham gia giao thông.
Phương tiện tham gia giao thông ngày một nhiều, nhưng ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông và cả người quản lý, giám sát và điều hành giao thông vẫn "giậm chân tại chỗ" chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT ngày một gia tăng. Những tai nạn thảm khốc tiếp tục diễn ra hằng ngày, hằng giờ, người vô tội vẫn chết... không chỉ là lời cảnh báo, một sự thách thức của lương tâm và trách nhiệm đối với các cơ quan chức năng, mà là nỗi đau của toàn xã hội.
Bắt bệnh không khó, các nhà quản lý đã bắt trúng bệnh, nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Tập trung hơn nữa xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, triển khai chiến lược phát triển phương tiện phù hợp với kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan và kiểm soát, nâng cao chất lượng đào tạo, cấp phép lái xe; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông… Tất cả đều cần thiết và đều quan trọng. Nhưng, nếu không có các giải pháp giáo dục, tuyên truyền, những hình thức xử phạt nghiêm khắc để nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, chắc chắn TNGT sẽ tiếp tục là vấn nạn.