Cảm phục những tấm gương làm theo lời Bác

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:41, 18/05/2013

(HNM) - Ngay từ ngày bắt đầu có trưng bày ảnh, tài liệu, hiện vật, bài báo, phóng sự truyền hình về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được mở cửa nườm nượp người đến xem...

Đông đảo người dân tới tham quan triển lãm. Ảnh: Thanh Xuân



Được tổ chức quy mô, tổng hợp và lựa chọn từ Ban tổ chức là Ban Tuyên giáo TƯ, Báo Nhân Dân, Ban Thi đua - Khen thưởng TƯ, TTXVN, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Báo Quân đội nhân dân, NXB Quân đội nhân dân, triển lãm giúp người xem có cái nhìn đầy đủ về tinh thần học tập và làm theo lời Bác. Theo đó, phía tay trái của sảnh trưng bày là phần ghi lại những thành tích của các phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, phần lớn là các bức ảnh được nhiều nghệ sĩ, phóng viên ảnh của TTXVN, Báo Nhân Dân ghi lại. Ở đây, người xem có thể nhìn lại tinh thần thi đua quyết thắng của quân dân trong kháng chiến qua tấm ảnh về các phong trào: Giã gạo ủng hộ bộ đội giải phóng; giữ đất "Một tấc không đi, một ly không rời"; "Tấm áo chiến sĩ", "Chiếc gậy Trường Sơn", "Phụ nữ ba đảm đang"... Sau giải phóng có thêm nhiều hoạt động thi đua được kể lại bằng ảnh như: Làm đường sắt Thống Nhất, đi kinh tế mới, dạy tốt học tốt... giúp người trẻ hình dung khí thế của quân dân ta ngày đó. Tiếp nối truyền thống, nỗ lực thi đua làm theo lời Bác ở khắp mọi miền đất nước ngày nay được thể hiện sinh động trong các bức ảnh với đầy đủ số liệu, thành tích về ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, kinh tế, công nghệ, xuất nhập khẩu...

Phần gây xúc động, cảm phục với người xem hơn cả là hơn 300 bức ảnh, tài liệu, hiện vật, bài báo, phóng sự truyền hình về 123 tấm gương tiêu biểu được lựa chọn từ 275 tập thể và cá nhân đã được Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, cơ quan TƯ, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, NXB Quân đội nhân dân tôn vinh thời gian gần đây. Mỗi tấm gương được giới thiệu kèm với bài viết vắn tắt cùng ảnh về hành động, việc làm tốt của họ có sức lay động, cảm hóa bất cứ ai đặt chân đến triển lãm. Họ thật bình dị mà việc làm thật phi thường, ví như "Bộ ba thợ cầu" ở miền Tây Nam bộ, chỉ là những người dân học hết trung học, nhưng mày mò nghiên cứu cấu trúc cây cầu Mỹ Thuận để xây cho dân những cây cầu treo bắc qua kênh rạch. Hơn thế là những tấm gương biết vươn lên trong khó khăn để giúp ích cho đời như nhà văn "viết đứng" Trần Văn Thước; họa sĩ Đặng Ái Việt. Có những vị lãnh đạo rất gần gũi, chăm lo cho dân hơn cả cuộc sống bản thân như: "Vị tướng cầm dao xây" Hoàng Kiềm; trưởng bản Vừ Pả Câu "vác tù và hàng tổng"; nữ giáo sư đấu tranh cho hạnh phúc của nữ giới Lê Thị Quý... Chi tiết hơn về những tấm gương này, người xem có thể đọc ở trong tập sách sưu tập bài viết "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của Báo Nhân Dân và "Những tấm gương bình dị mà cao quý" của Báo Quân đội nhân dân được đặt trang trọng ở giữa phần trưng bày. Ngoài ra, triển lãm còn có chiếc xe đạp Thống Nhất cũ của ông Đào Văn Tư, 63 tuổi ở TP Hồ Chí Minh đã có hành trình cùng chủ nhân đi từ thành phố mang tên Bác đến viếng Lăng Người ở Hà Nội để thể hiện sự tôn kính, tấm lòng nhiệt thành của người Nam bộ.

Trong thời gian mở cửa (từ nay đến trung tuần tháng 6), các bộ phim về những tấm gương làm theo lời Bác trong đời sống được chiếu liên tục. Bên cạnh đó, hàng chục cuốn sách sưu tập các câu chuyện về Bác Hồ và viết về những "Người tốt, việc tốt" trong cuộc sống cũng trưng bày để công chúng có thể tìm hiểu.

Chắc chắn, khi đã đến tham quan và tìm hiểu nội dung ở triển lãm này, mỗi người trong chúng ta đều cảm phục tinh thần, quyết tâm và những hành động bình dị mà cao quý ở khắp nơi nơi. Từ đó, ai cũng tự nhắc mình tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, làm nhiều việc tốt cho đời, như lời Bác dạy.

An Nhi