Cơn giông tố mới

Thế giới - Ngày đăng : 07:33, 18/05/2013

(HNM) - Nếu không vì lời cam kết mỗi 6 tháng sẽ tổ chức họp báo một lần, không biết Tổng thống Pháp Francois Hollande có thực hiện cuộc gặp gỡ báo chí lần hai...


Nếu xét đến chuyện ông vừa kỷ niệm một năm nhậm chức cách đây vài ngày thì lần ra mắt công luận này hẳn vô cùng chính đáng. Nhưng khi tính đến việc nền kinh tế Pháp vừa chính thức được công bố rơi vào suy thoái lần thứ ba trong vòng 4 năm thì sự kiện kéo dài hai tiếng rưỡi tại điện Elysee chẳng khác nào để hứng búa rìu dư luận.

Kinh tế suy thoái đã phủ bóng đen lên nhiệm kỳ lãnh đạo của Tổng thống Francois Hollande.



Tuy nhiên, với một số người ủng hộ thì lần phát biểu trước báo giới mới nhất của Tổng thống Hollande là cơ hội tốt để ông xua tan ngờ vực của công chúng. Chưa rõ bài phát biểu đề cập đến những chiến lược đối nội và đối ngoại của ông chủ điện Elysee phát huy hiệu quả đến đâu, song các hàng tít lớn chạy khắp các tờ báo hàng đầu nước Pháp với lời lẽ "Tổng thống bị dồn vào chân tường" hay "Khát vọng tương lai"... phần nào cho thấy những cơn sóng dữ dội trong dư luận trước việc Pháp trở lại quỹ đạo suy thoái.

Ngay cả đối với những người đã tin vào hàng loạt lời hứa bay bổng về sự "thay da đổi thịt" của nước Pháp mà ông Hollande đưa ra khi bước vào điện Elysee một năm trước cũng không bất ngờ về thông tin GDP quý I năm nay của Pháp tiếp tục giảm 0,2%. Thậm chí, chỉ số khẳng định sức mua đã giảm 0,9% trong năm 2012 để đánh dấu sự giảm sút chưa từng thấy từ 30 năm trở lại đây cũng không phải là cú sốc lớn. Thực tế, các số liệu kinh tế Pháp thời gian gần đây đều liên tục phát đi tín hiệu về một sự thụt lùi trong tăng trưởng.

Chỉ một năm trước đây, nước Pháp đã hào hứng đón vị tân tổng thống với niềm tin vào một cuộc cách mạng mới trong kinh tế. Với quan điểm chống lại các chính sách thắt lưng buộc bụng, những hứa hẹn của ông Hollande về chi tiêu rộng rãi được kỳ vọng sẽ tạo cú đột phá cho nền kinh tế đang chao đảo của nước Pháp. Đến nay, kết quả là từ sản xuất, tiêu dùng đến đầu tư đều sụt giảm mạnh trong khi chiến lược việc làm từng khiến dân chúng nức lòng gần như thất bại khi số người thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục mới 3,22 triệu người.

Vậy là di sản mà chính phủ của ông Hollande có được sau hơn một năm lãnh đạo đất nước hình lục lăng là sự suy giảm lòng tin nghiêm trọng trong dân chúng. Thực tế đau đớn ấy đã khiến ông trở thành vị tổng thống duy nhất của nền đệ ngũ cộng hòa có tỷ lệ mất lòng dân cao nhất trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Thách thức với công dân số 1 nước Pháp hiện tại là làm sao để lấy lại niềm tin của người dân thông qua những số liệu không thể chối bỏ của nền kinh tế chứ không phải những cam kết hùng hồn trên giấy. Nhiệm vụ này được đánh giá là cực kỳ khó khăn khi nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) có sức cạnh tranh cực thấp. Trong khi đó, việc thực thi kỷ luật ngân sách để giảm thâm hụt xuống dưới 3% theo quy định của Liên minh Châu Âu (EU) xem ra lại khó ăn nhập với quan điểm nới lỏng tiêu pha để kích thích tăng trưởng mà ông Hollande tuyên bố. Ngoài ra, cắt giảm chi tiêu công sẽ đụng chạm tới những lĩnh vực nhạy cảm như hưu hổng, trợ cấp xã hội, thuế má, công ăn việc làm... Do vậy, nhìn một cách tổng thể, trụ cột số hai của Eurozone sẽ phải chật vật để chiến thắng đà suy giảm đang chiếm ưu thế chứ đừng nói tới việc có thể hồi phục ngoạn mục.

Thế nhưng, sự trì trệ của Pháp không phải là "của hiếm" tại Eurozone. Căn bệnh trầm trọng này lại được gọi tên khi toàn bộ khu vực vừa bước vào quý thứ sáu tăng trưởng âm liên tiếp. Ngoài Pháp phải đầu hàng với việc khởi động cỗ máy kinh tế, Phần Lan, Síp, Italia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Tây Ban Nha cũng thất bại trong mục tiêu ngừng đà suy giảm. Vượt qua cả kỷ lục 5 quý suy thoái liên tục vào thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Châu Âu lại bị bao phủ bởi mây đen của cơn giông tố mới khi chưa kịp thấy vầng sáng lạc quan nào. Cùng những chỉ số thất vọng của nền kinh tế số hai Eurozone, triển vọng thoát khỏi vũng lầy nợ nần nhằm trút bỏ tên gọi "Châu Âu ốm yếu" và tìm lại danh xưng cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới của Cựu lục địa vẫn vô cùng mờ mịt.

Vân Khanh