Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 ở các trường ngoài công lập: Kẻ khóc, người cười
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:44, 18/05/2013
Thực tế tình trạng thiếu thí sinh đã được báo trước và đầu mùa tuyển sinh, hàng loạt trường đã có nhiều giải pháp thu hút thí sinh khá ấn tượng. Điển hình như ĐH Hoa Sen (quận 3) năm nay công bố dành 60 suất học bổng tài năng, 45 triệu đồng/suất học bổng các ngành khoa học, công nghệ, 30 triệu đồng/suất học bổng khuyến học, vượt khó cho các thí sinh nộp hồ sơ vào đây. Tuy nhiên, tình hình không cải thiện lắm, đặc biệt ở hệ CĐ khi chỉ có 70 hồ sơ ĐKDT, trong khi cùng kỳ năm ngoái lên đến 760 thí sinh. Thạc sỹ Hoàng Đức Bình, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen cho biết: "Năm nay, số hồ sơ ĐKDT hệ CĐ giảm từ 798 còn 70 là quá nhiều!". Khó khăn nhất là Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Sài Gòn, có 3.700 chỉ tiêu nhưng hồ sơ ĐKDT chưa đến 1.000. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (quận Bình Thạnh) chỉ nhận được 2.000 hồ sơ ĐKDT (10% là lượng thí sinh đăng ký thi nhờ) trong khi cần 3.300 chỉ tiêu cho cả 2 hệ ĐH, CĐ...
Thí sinh dự thi tại Trường ĐH Hoa Sen năm 2012. |
Trái ngược với tình cảnh trên, nhiều trường ĐH NCL lại vẫn có thí sinh đăng ký đông như: Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh có hồ sơ ĐKDT lên đến 13.765 bộ, trong khi chỉ có 3.500 chỉ tiêu hệ ĐH, 2.100 chỉ tiêu hệ CĐ, dù trường này mới tổ chức thi tuyển sinh trở lại sau 2 năm dành toàn bộ nguồn tuyển theo phương thức xét tuyển. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có hồ sơ ĐKDT lên đến 15.234 thí sinh, tăng hơn 5.000 so với năm 2012.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, các trường NCL thiếu thí sinh bởi tình hình kinh tế khó khăn, thất nghiệp cao nên học sinh và phụ huynh sẽ lựa chọn nguyện vọng dự thi vào các trường, ngành có khả năng xin việc cao. Mặt khác, theo quy định mới của Bộ GD-ĐT về đào tạo liên thông buộc thí sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp hay CĐ nghề, CĐ chưa đủ 3 năm phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi ngành đăng ký trong kỳ thi CĐ-ĐH chính quy do Bộ tổ chức hằng năm khiến thí sinh lâu nay bỏ công học trung cấp, CĐ để được học liên thông gặp khó khăn. Chính điều này cũng khiến tỷ lệ hồ sơ ĐKDT, đặc biệt ở các hệ CĐ NLC khá ít và phân tán.
Mặt khác, các trường NCL "sinh sau đẻ muộn" dù có cố gắng đào tạo chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất tốt nhưng vẫn vướng vào tâm lý xã hội khi người học chưa tin tưởng.
Liệu có còn hy vọng hút thêm thí sinh là câu hỏi của chúng tôi dành cho rất nhiều lãnh đạo các trường. "Năm nay với tỷ lệ thí sinh ĐKDT kiểu này thì nhiều trường NCL sẽ thừa nhiều chỉ tiêu. Trường tôi không mong đợi nguồn tuyển từ nguyện vọng 1 mà trông chờ vào nguyện vọng 2, 3 của thí sinh sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn" - TS Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cho biết. Không riêng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, hàng loạt các trường như Hoa Sen, Hồng Bàng cũng chung tâm lý này. Theo Thạc sỹ Hoàng Đức Bình, giải pháp lâu dài hơn, Trường ĐH Hoa Sen sẽ tập trung vào thế mạnh việc làm của thí sinh sau tốt nghiệp và nhất là việc làm của sinh viên tốt nghiệp CĐ.