"Cuộc chiến" nhắn tin miễn phí nhìn từ lịch sử di động Việt
Xe++ - Ngày đăng : 07:38, 17/05/2013
Khi mới vào Việt Nam, S-Fone được kỳ vọng trở thành một quyền lực mới của làng di động. Trong khi đó, lúc bắt đầu, Viettel dường như chẳng có mấy cơ hội. Cuộc chiến giữa Kakao Talk, Line và Zalo cũng có hình ảnh tương tự.
Những ai từng đến Hàn Quốc thăm tổng hành dinh của SK Telecom (tập đoàn viễn thông số 1 xứ Kim chi, tổ chức đầu tư vào S-Fone trước đây) và dùng các dịch vụ thông tin di động của hãng thì có thể cảm nhận được quyền lực tuyệt đối của CDMA tại đất nước này. Thế nhưng, quyền lực CDMA tại Hàn Quốc và sức mạnh tại Việt Nam lại vô cùng khác nhau.
Vào Việt Nam, S-Fone có slogan “Nghe là thấy” (phô diễn công nghệ cao nên tiếng thoại trong hơn), đi kèm với đó là hình ảnh sành điệu về marketing của một mạng viễn thông có yếu tố Hàn Quốc. Thế nhưng, đi kèm với đó là vùng phủ sóng hẹp, tiếng thoại thực tế không trong và rõ như quảng cáo. Đây là chưa kể tới việc máy đầu cuối sử dụng được CDMA không phổ biến, giá cao.
Ảnh minh họa. |
Hệ quả là S-Fone có tốc độ phát triển èo uột và đã chết yểu tại Việt Nam sau vài năm hoạt động. Slogan “Nghe là thấy” trước đây bị nói chệch thành “Nghe là tắc” (do không gọi được vì vùng phủ sóng hẹp, chất lượng dịch vụ yếu).
Line và Kakao Talk – 2 ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) nước ngoài vào Việt Nam cũng có những yếu tố được kỳ vọng tương tự như S-Fone thời kỳ đầu: “bom tấn” hoành tráng trên truyền hình với tần suất kinh hãi, có mặt chi chít trên màn hình tòa nhà, quảng cáo ngoài trời dày đặc…, kèm theo hình ảnh sành điệu của sao K-pop. Ứng dụng như Line, Kakao đều có tiểu sử hoành tráng ở nước ngoài, với tiềm lực tài chính cực lớn, kinh nghiệm phát triển ứng dụng OTT…
Thế nhưng, tương tự như S-Fone, họ cũng gặp vấn đề của “vùng phủ sóng”. Chỉ hoạt động tốt trên 3G và Wifi, 2 ứng dụng ngoại kén nơi sử dụng chứ không đáp ứng được yêu cầu “mọi lúc, mọi nơi” của một sản phẩm nhắn tin miễn phí trên điện thoại di động. Bên cạnh việc dễ bị vào diện “ngoài vùng phủ sóng” (do thiếu 3G, Wifi) nhiều khách hàng dùng ứng dụng ngoại còn gặp tình trạng nhắn tin nhưng không gửi được, tốc độ chậm. Slogan nhái “Nghe là tắc” của S-Fone giờ có nguy cơ treo lơ lửng trên đầu các dịch vụ OTT ngoại quốc.
Chưa hết. Việc kén máy điện thoại, thời kỳ ban đầu chỉ hoạt động tốt với các dòng smartphone cao cấp cũng khiến ứng dụng ngoại thiếu đi lượng người dùng đại chúng – vốn là đối tượng chính của dịch vụ nhắn tin miễn phí. Cũng vì những lý do trên, những thế mạnh lớn của ứng dụng ngoại như “hình ảnh đẹp, hoạt động tốt trên smartphone và công nghệ tiên tiến” bị biến tấu thành “Sang, Chảnh, và Tậm tịt”.
Trong khi đó, ứng dụng nhắn tin miễn phí nội là Zalo ban đầu bị đánh giá là yếu toàn diện lại thể hiện một hình ảnh trái ngược. Trước tiên, Zalo không chỉ hoạt động tốt trên 3G và Wifi mà còn chạy “ngon” trên 2G và 2,5G của các nhà mạng Việt Nam. Điều này giúp cho ứng dụng Việt có được hạ tầng về vùng phủ sóng toàn quốc của một sản phẩm nhắn tin miễn phí thực sự cho điện thoại di động. Đây cũng là điều mà mạng di động Viettel đã làm ngay khi mới bắt đầu với triết lý hạ tầng là nhân tố cốt lõi cho sự phát triển.
Zalo tạo ra một hình ảnh đối lập hoàn toàn với ứng dụng ngoại cùng biểu tượng “Nhanh, Ổn định và Thân thiện” |
Kế đến, Zalo được tối ưu hóa với hạ tầng các nhà mạng, máy chủ cũng đặt trong nước nên tốc độ nhắn tin của ứng dụng Việt rất nhanh và ổn định – điều mà các sản phẩm ngoại không có được.
Chưa hết, ngay từ thời kỳ đầu, ứng dụng Việt đã xác định phổ cập cho mọi người nên sản phẩm được thiết kế chạy tốt trên cả feature phone chứ không chỉ smartphone cao cấp và đối tượng người dùng rất rộng. Zalo là ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động đầu tiên tại Việt Nam được tích hợp trên các dòng điện thoại phổ thông của Nokia. Ở đây, hình ảnh của Zalo là đem ứng dụng công nghệ cao trên di động đến với mọi người, tương tự như biểu tượng bình dân hóa dịch vụ cao cấp của Viettel trước đây.
Bên cạnh đó, dù không có được các “bom tấn” về hình ảnh là sao Hàn Quốc nhưng Zalo có hàng loạt sao Việt dùng và quảng bá: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, hoa hậu Mai Phương Thúy, cặp đôi Chi Pu – Cường Seven hay Đông Nhi – Ông Cao Thắng, ca sĩ Quang Lê, Đan Trường, nhóm 365, nữ hoàng nội y Ngọc Trinh, mẫu Tây Andrea…. Số lượng người nổi tiếng ở Việt Nam dùng Zalo đông hơn hẳn giúp ứng dụng trong nước có được hình ảnh phổ biến, thân thiện.
Nhờ những nhân tố nói trên, Zalo tạo ra một hình ảnh đối lập hoàn toàn với ứng dụng ngoại cùng biểu tượng “Nhanh, Ổn định và Thân thiện” (bên kia là Sang, Chảnh và Tậm tịt).
Trong lịch sử phát triển thông tin di động ở Việt Nam, sau những ồn ào về hình ảnh thời kỳ đầu với kỳ vọng ngút trời, S-Fone là một thất vọng lớn. Trong khi đó, ban đầu, không ai nghĩ Viettel sẽ trở thành một tượng đài về viễn thông, nhưng họ đã vươn lên và trở thành mạng di động thành công nhất trong lịch sử.
Với cuộc chiến giữa các ứng dụng nhắn tin miễn phí, kịch bản phát triển dường như đang có diễn biến tương tự. Ứng dụng nhắn tin thuần Việt – Zalo, sau thời kỳ đầu bị đánh giá thấp, đang vươn lên mạnh mẽ và trở thành OTT đầu tiên tại Việt Nam cán mốc 2 triệu người dùng – mốc được coi là sẽ giúp sản phẩm có khả năng phát tán tự nhiên như Facebook. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Thời gian sẽ cho câu trả lời.