“Cú sốc” trên chính trường Thái Lan
Thế giới - Ngày đăng : 07:24, 17/05/2013
Trở thành Thủ tướng trẻ nhất khi giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 12-2008 nhờ sự hậu thuẫn lớn của lực lượng "áo vàng" do Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) đứng đầu, nhà lãnh đạo 44 tuổi từng tốt nghiệp Đại học danh tiếng Oxford này nỗ lực rất nhiều nhằm góp phần đưa chính trường Thái Lan trở lại ổn định sau hàng loạt cuộc biểu tình đường phố. Thế nhưng mọi giải pháp mà chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva khi đó đưa ra không thấm vào đâu so với những bất ổn, mâu thuẫn nội bộ trong lòng dân tộc ngày càng bùng phát. Trong đó, điển hình là các cuộc biểu tình đường phố của lực lượng "áo đỏ" - vốn ủng hộ cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra - và lực lượng "áo vàng" mà báo giới vẫn gọi là những "cuộc chiến sắc màu".
Cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva (giữa). |
Không hài lòng với những gì mà chính phủ đưa ra trong việc điều hành nền kinh tế đất nước, trong suốt thời gian từ tháng 3 đến 5-2010, hàng nghìn người biểu tình "áo đỏ" đã tụ tập tại thủ đô Bangkok nhằm kêu gọi chính quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva giải tán nội các để tiến hành bầu cử Hạ viện trước thời hạn. Sau hơn một tháng chiếm giữ khu thương mại sầm uất nằm giữa trung tâm Bangkok, quân đội Thái Lan dưới sự chỉ đạo Trung tâm Xử lý tình trạng khẩn cấp (CRES) đã tiến hành trấn áp nhằm giải tán những người biểu tình. Không bên nào chịu bên nào, đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh đã xảy ra khiến hơn 90 người thiệt mạng, trong đó có hai nhà báo nước ngoài và gần 1.900 người bị thương. Đây được xem là cuộc trấn áp người biểu tình đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ qua của quân đội Thái Lan dưới thời lãnh đạo của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.
Theo cáo buộc mới nhất của DSJ, ông Abhisit Vejjajiva trên cương vị Thủ tướng và ông Suthep Thaugsuban trên cương vị Phó Thủ tướng, đồng thời là Giám đốc CRES đã phối hợp tổ chức trấn áp những người biểu tình "áo đỏ" ngày 15-5-2010 khiến một cậu bé 14 tuổi và một lái xe thiệt mạng. Trước đó, hai quan chức của đảng Dân chủ cầm quyền một thời này cũng bị DSJ cáo buộc tội danh tương tự dẫn tới cái chết của một tài xế taxi do trúng đạn của binh sĩ. Người đứng đầu DSJ Tharit Pengrit cho biết, hai quan chức này có thể sẽ lại bị triệu đến cơ quan tòa án nếu DSJ tìm được bằng chứng mới về tội danh khác chống lại họ. DSJ sẽ kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ sang văn phòng Tổng chưởng lý Thái Lan trong tháng này.
Bất chấp những cáo buộc trên của DSJ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva không ngừng lên tiếng bác bỏ khi khẳng định vụ việc có động cơ chính trị và chính quyền của ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hành động mạnh tay. Cho rằng việc đưa quân đội can thiệp cuộc biểu tình của phe "áo đỏ" năm 2010 là giải pháp cần thiết nhằm khôi phục trật tự đất nước, trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva phản bác việc truy tố tội giết người và khẳng định mình vô tội. Với những tranh cãi chưa thể đi đến hồi kết này, những cáo buộc mới của DSJ nhằm vào hai quan chức chính phủ đầu tiên này sẽ tiếp tục là câu chuyện thời sự trên chính trường đất nước Chùa vàng thời gian tới.