Sống mãi con đường mang tên Bác
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:04, 17/05/2013
Hào khí Trường Sơn
Dịp Sinh nhật Bác năm nay, hơn 300 người lính Sư đoàn 470 đang sinh sống tại Hà Nội rất phấn khởi khi Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam Sư đoàn 470 khu vực Hà Nội chính thức ra mắt. Vào một ngày trung tuần tháng 5, trong cái nắng mới lên rạng rỡ, những chàng trai cô gái thuở nào từng sống và chiến đấu trên con đường mang tên Bác kính yêu lại rưng rưng cầm tay hát vang những bài ca về đời lính, về những khúc tráng ca Trường Sơn. Nay, mái đầu họ đã bạc nhưng lời ca, câu hát và trái tim dường như trẻ mãi cùng năm tháng. Đại tá Đậu Xuân Tường, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam Sư đoàn 470 khu vực Hà Nội, bồi hồi: "Những người lính Cụ Hồ thế hệ chống Mỹ cứu nước chúng tôi tự hào được chiến đấu trên chính con đường mang tên Bác ở một địa bàn rộng lớn như Tây Nguyên và khu vực ba nước Đông Dương. Qua 43 năm xây dựng và trưởng thành từ Sư đoàn 470 năm nào, giờ những người lính Trường Sơn chúng tôi vẫn tiếp tục bám trụ tại mảnh đất cha anh đi trước từng chiến đấu để xây dựng kinh tế mới".
Con đường mang tên Bác năm xưa.Ảnh tư liệu. |
Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nhớ lại, năm 1970, Sư đoàn 470 được thành lập tại khu rừng Nậm Pa bên nước bạn Lào, có nhiệm vụ trực tiếp đánh địch, mở đường bảo đảm tuyến giao thông chiến lược, vận chuyển vũ khí, chi viện sức người, sức của cho chiến trường B2, B3 và giúp cách mạng các nước bạn Lào, Campuchia. Trong chiến dịch mùa xuân 1975, Sư đoàn 470 đã cơ động bám sát đội hình chiến đấu, bảo đảm giao thông trên 4 trục đường chính gồm quốc lộ 13, 14, 19 và 21 phục vụ kịp thời bước tiến của những cánh quân thần tốc.
Lịch sử con đường mang tên Bác còn ghi, tròn 5 năm chiến đấu và phục vụ, Sư đoàn 470 đã mở mới 885km đường bộ, mở rộng hơn 700km đường sông, bảo đảm tuyến giao thông thông suốt với chiều dài 3.120km đường ô tô, vận chuyển được 110 nghìn tấn hàng, xây dựng tuyến đường ống dài gần 1.000km và đã vận chuyển được hàng chục vạn tấn xăng dầu phục vụ chiến trường; đưa đón hơn 190 nghìn lượt người vào ra chiến trường, hàng chục nghìn cán bộ dân chính đảng, thương bệnh binh ra miền Bắc điều trị và đón nhiều đoàn cán bộ cao cấp của nước bạn Campuchia an toàn tuyệt đối; trực tiếp đánh hơn 300 trận, bắn rơi 88 máy bay Mỹ.
Cuộc sống hôm nay
Đã có 6 tập thể, 2 cá nhân của Sư đoàn 470 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT trong chiến đấu. Đặc biệt, ngày 3-6-1976, Sư đoàn 470 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Sau ngày đất nước thống nhất, Sư đoàn tiếp tục bám trụ Tây Nguyên, thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng. Giai đoạn khó khăn của đất nước từ năm 1975-1990, Sư đoàn 470 đã tập trung lực lượng xây dựng hơn 1.000km đường, nhiều cây cầu bê tông, cùng nhiều công trình quan trọng khác, trong đó có Thủy điện Đrây H'linh công suất 12MW - công trình lớn nhất, khó khăn gian khổ nhất Tây Nguyên thời điểm ấy.
Những người lính Trường Sơn say sưa hát khúc quân hành. |
Với chiến công trong xây dựng Thủy điện Đrây H'linh, Sư đoàn 470 và cá nhân Sư đoàn trưởng Lê Xuân Bá được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Những năm đất nước sôi nổi với các hoạt động xây dựng kinh tế từ thập kỷ 90 đến nay, Sư đoàn 470 đã xây dựng hơn 160 công trình trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam bộ, trong đó có những công trình lớn của quốc gia như đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn, đường tuần tra biên giới, đường Nam Trà My - Quảng Nam, Thủy điện Sêrêpốk 3, Thủy điện Đắc R'tíh, Thủy điện Buôn Kuốp, Thủy điện Buôn Tua Sah…
Để giữ gìn phát huy truyền thống vẻ vang của Sư đoàn và tình đồng đội, đồng chí cao đẹp, những người lính Trường Sơn năm xưa đang sinh sống tại Hà Nội đã có sáng kiến thành lập ban liên lạc tại Hà Nội. Từ khi thành lập đến nay, ban liên lạc thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ nhau. Chỉ một thời gian ngắn, đã có 5 ngôi nhà tình nghĩa được xây lên tại các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hà Nội, Nghệ An… Những người lính trở về đời thường với tình đồng đội cao đẹp còn vận động được một gia đình ở Pháp trợ cấp học bổng cho Trần Thị Yến, là cháu cựu chiến binh Trần Văn Lợi (ở Nam Định). Nhờ sự giúp đỡ chí tình của những người đồng đội cũ, hiện tại cuộc sống khó khăn của gia đình cựu chiến binh Trần Văn Lợi đã trở thành câu chuyện xưa cũ. Ông Nguyễn Đình Thảo, Trưởng ban Liên lạc Sư đoàn 470 tỉnh Nam Định cho biết, phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp anh bộ đội Cụ Hồ, nhiều người lính trở về địa phương đã tham gia tích cực trên mặt trận kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng địa phương và luôn được nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền tín nhiệm bầu vào các chức danh chủ chốt ở cơ sở.
Đại tá Đồng Văn Thịnh, Chủ tịch danh dự Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam Sư đoàn 470 khu vực Hà Nội, cho biết thêm, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng đội khó khăn đã là truyền thống của người lính được vinh dự chiến đấu trên con đường mang tên Bác. Từ lâu, chúng tôi đã khắc cốt ghi tâm lời căn dặn của Bác "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" để trở về với cuộc sống đời thường với một tư thế luôn tự hào về một thời đã sống, chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.