“Đánh thức” cao nguyên đá

Du lịch - Ngày đăng : 06:44, 17/05/2013

(HNM) - Trở thành Công viên Địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam, Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) đang mở ra nhiều cơ hội và hướng đi mới cho du lịch Hà Giang.


"Hút" khách nhờ danh hiệu

Tại lễ công bố quy hoạch tổng thể Công viên Địa chất toàn cầu CNĐĐV giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030, diễn ra mới đây, Sở VH,TT&DL Hà Giang cho biết, chưa khi nào CNĐĐV lại nhận được sự quan tâm lớn của bạn bè trong và ngoài nước đến vậy. Nhìn vào lượng khách du lịch lên đây vào các dịp nghỉ lễ trong năm mới thấy, thương hiệu "Công viên Địa chất toàn cầu" mà UNESCO trao tặng từ tháng 10-2010 ngày càng có sức hút lớn. Nếu như trước đây, lượng khách đến Hà Giang chỉ đạt khoảng 190-200.000 lượt/năm thì nay, con số này đã tăng lên đáng kể. Đơn cử, năm 2011, lượng khách đến đây đạt con số ấn tượng - trên 300.000 lượt; đến năm 2012, tăng lên gần 400.000 lượt. Mục tiêu trong năm 2013, tỉnh sẽ thu hút gần 500.000 lượt khách.

Ngoài cảnh sắc núi non hùng vĩ, Hà Giang còn có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.
Ảnh: Yến Ngọc



Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng nhìn nhận, ngoài cảnh sắc, núi non hùng vĩ, mảnh đất này còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người bản địa, nhiều giá trị của thời kỳ kiến tạo trái đất đang được các nhà khoa học khám phá. Đến đây, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của một vùng rừng, núi đá nơi biên cương cực Bắc của đất nước; được đứng bên cột cờ Lũng Cú; được thăm Cổng trời, đến với núi Cô Tiên (núi đôi) ở Quản Bạ, thăm khu nhà Vương của Vua Mèo một thời, thăm phố cổ Đồng Văn, qua đỉnh Mã Phì Lèng, đến Mèo Vạc có chợ tình Khau Vai… Đặc biệt, du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào cuộc sống, sinh hoạt, thưởng thức những món ăn mang bản sắc vùng cao, tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Nùng, Tày, Dao, Lô Lô, Giáy… trong những bản làng, những mái nhà treo lưng núi. Bởi vậy, du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm đang trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo trên CNĐĐV.

Để từng bước phát huy lợi thế phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý báu, bảo vệ di sản địa chất, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống, đa sắc màu của người dân vùng cao, trao đổi với Hànộimới, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Giang Hoàng Văn Kiên cho rằng, sau khi có quy hoạch tổng thể Công viên Địa chất toàn cầu, việc đầu tiên mà địa phương cần làm là lập quy hoạch khu du lịch trọng điểm quốc gia, xây dựng các tour, kết nối bốn huyện vùng cao thuộc CNĐĐV, gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc tạo thành tuyến du lịch hấp dẫn. Tiếp đến, Sở tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc hiểu được giá trị căn bản của Công viên Địa chất toàn cầu, từ đó có trách nhiệm bảo vệ các di sản trên địa bàn, phục vụ cho sự phát triển du lịch lâu dài và bền vững.

Bài toán khai thác - bảo tồn

Mặc dù có tiềm năng du lịch lớn nhưng CNĐĐV vẫn chưa khai thác được những lợi thế này. Hiện mức chi tiêu của du khách khi đến đây chỉ dao động từ 15 đến 25 USD/ngày/người, thấp hơn nhiều so với mức chi tiêu trung bình của một du khách đến Việt Nam (60-70 USD/ngày).

Trước thực tế trên, ông Hoàng Văn Kiên thừa nhận, cơ sở hạ tầng quá yếu kém, các dịch vụ du lịch chưa có nhiều khiến nơi đây giảm sức hút đối với du khách. Thêm vào đó, hiện toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở lưu trú nhưng chỉ có hai khách sạn hai sao, còn lại là khách sạn một sao và nhà nghỉ, rất bất tiện đối với du khách có điều kiện. "Du khách đến đây đều than phiền, họ không biết tiêu gì, mua gì mà chỉ biết "đem tiền đi rồi lại đem tiền về". Đây thực sự là trăn trở từ lâu của ngành du lịch địa phương" - ông Kiên nhấn mạnh.

Hiện có 15 dự án trên toàn bộ Công viên Địa chất CNĐĐV được kêu gọi đầu tư, trong đó có các dự án nâng cấp quốc lộ 4C; dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản; xây dựng các làng văn hóa du lịch dân tộc; phát triển trung tâm du lịch vui chơi, giải trí... Theo ông Hoàng Văn Kiên, tới đây, Hà Giang sẽ tập trung kêu gọi các nhà đầu tư tăng cường xây dựng các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Ngoài ra, các làng văn hóa du lịch cộng đồng cũng sẽ được xây dựng để du khách có thể đến đây tham quan và có được những trải nghiệm thú vị khi cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân bản địa. Và làng văn hóa cộng đồng sẽ góp phần giảm thiểu sự quá tải ở khu vực trung tâm cao nguyên đá vào mỗi dịp nghỉ lễ.

Thêm vấn đề đặt ra, đó là khi du lịch phát triển sẽ kéo theo "làn sóng" thương mại hóa, những nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc có nguy cơ bị mai một, làm thế nào vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn giá trị văn hóa (?). Để hạn chế thấp nhất các hệ lụy trên, ngành du lịch Hà Giang đã, đang và sẽ tổ chức những lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh với du khách cho người dân địa phương. Khi người dân trên cao nguyên đá biết làm du lịch, sống bằng du lịch bền vững nghĩa là nhận thức của họ trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản đang dần được nâng cao.

Thu Trang