Bé trai 7 tháng bị ngộ độc thần sa

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:40, 17/05/2013

Bé Mạnh (Cao Bằng) uống thuốc thần sa được vài ngày thì cháu rơi vào tình trạng lờ đờ, mệt mỏi..., phải đi cấp cứu.

Đến nay sau hơn 3 tuần điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhi mới được xuất viện. Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng lờ đờ, mệt mỏi, ngừng thở. Theo lời kể của gia đình thì bé đang điều trị bệnh động kinh ngoại trú ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên, biểu hiện bệnh của trẻ khi đó rất lạ, không phải do tác động của thuốc động kinh.

Thần sa là một vị thuốc đông y có tác dụng chữa bệnh nhưng không được tự ý sử dụng, uống quá liều sẽ rất nguy hiểm. Ảnh minh họa: Hocvienquany.


"Trẻ mệt mỏi, lờ đờ, nôn mửa, bụng trướng, đặc biệt là đi ngoài ra màu đỏ như màu bã trầu. Đến khi hỏi kỹ thì gia mình mới thú nhận là có cho bé uống thuốc thần sa để chữa động kinh", phó giáo sư Dũng cho biết.

Thần sa là một vị thuốc đông y có công dụng chữa bệnh an thần, chữa điên cuồng, mất ngủ, ác mộng, dùng ngoài trị mụn nhọt. Tuy nhiên đây là một vị thuốc độc bảng B, không nên tự ý sử dụng. Dùng không đúng liều, gây ngộ độc sẽ rất nguy hiểm, người bệnh lờ đờ, hôn mê, co giật, ngừng thở, nôn mửa, bụng trướng, đi ngoài màu đỏ - màu của thuốc.

"Người nhà không hề biết rằng thần sa là vị thuốc độc, không nghĩ con bị ngộ độc loại thuốc này. Họ chỉ nghĩ rằng đó là thuốc chữa an thần, co giật, tốt cho con. Thực tế có những trường hợp tử vong vì ngộ độc thần sa. Rất may là tình trạng ngộ độc ở trẻ chưa nặng. Hơn nữa, vì biết loại thuốc bị ngộ độc nên việc chữa trị cũng thuận lợi hơn", phó giáo sư Dũng nói.

Bác sĩ khuyến cáo, với bất kỳ loại thuốc nào dù là đông hay tây y, cha mẹ cũng không nên tự ý sử dụng mà phải có sự tư vấn của thầy thuốc. Thuốc cam là một ví dụ, theo dân gian nó có tác dụng chữa tưa lưỡi, tiêu chảy, chống suy dinh dưỡng... Tuy nhiên, thực tế nhiều cha mẹ lại đi mua thuốc ở những người bán dạo mà không hề biết thuốc đó chứa chì. Hậu quả trẻ bị ngộ độc chì, hậu quả rất nặng nề.

Động kinh là một bệnh lý đặc trưng với những cơn co giật xảy ra đột ngột, tái phát. Bệnh nguy hiểm ở chỗ nếu không được điều trị để cắt hoặc giảm những cơn co giật kéo dài có thể khiến trẻ chậm phát triển tâm lý, vận động. Điều quan trọng là cha mẹ cần phát hiện và đưa trẻ đi khám sớm, tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Khi trẻ có cơn co giật đầu tiên nếu được điều trị sớm thì 82% có thể khỏi sau 1 năm.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo VnExpress