Cân nhắc kỹ khi giao quyền sử dụng đất để tránh lãng phí, tốn kém
Chính trị - Ngày đăng : 13:27, 14/05/2013
Tham gia tiếp xúc cử tri tại quận Hai Bà Trưng có Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng các đại biểu Quốc hội: Bùi Thị An, Đỗ Kim Tuyến.
Mở đầu buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội đã thông báo với các cử tri nội dung của kỳ họp Quốc hội tới và kết quả trả lời các kiến nghị cử tri tại kỳ họp trước về chính sách bồi thường tái định cư, việc di dời để cải tạo chung cư Nguyễn Công Trứ, dự án cống hoá mương qua phường Cầu Dền....
Đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội với các kiến nghị, nguyện vọng của cử tri tại kỳ họp trước, các cử tri quận Hai Bà Trưng tiếp tục gửi gắm tới các đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề bức xúc mới hoặc chưa được giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh những quan tâm về chính sách vĩ mô như: giảm nghèo; tạo việc làm; đảm bảo giá cả sinh hoạt; phòng chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là trong tổ chức hội họp, lễ hội; các chế độ, chính sách với cán bộ làm công tác dân vận..., các cử tri cũng đề đạt nhiều vấn đề riêng của địa phương.
Một nội dung được nhiều cử tri cho ý kiến là việc chậm triển khai và việc bồi thường, tái định cư cho các hộ dân thuộc các dự án trọng điểm trên địa bàn như: Dự án đường vành đai 1, vành đai 2, dự án cống hóa các kênh mương đi qua địa bàn phường , việc triển khai các dự án mở rộng trường mầm non Chim Non và trường tiểu học Lê Ngọc Hân trên lô đất đã được di dời Nhà máy rượu tại Lò Đúc; tiến độ và kế hoạch cải tạo các khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ, Trại Găng; cân nhắc việc cho phép thực hiện dự án mở rộng khu giải phẫu của trường Đại học Y tại 48 Tăng Bạt Hổ...
Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị TP quan tâm giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp công lập; việc bàn giao Chùa Trang, hiện đang nằm trong khuôn viên Nhà máy dệt 10-10, về địa phương để nhân dân được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng; xem xét chia tách đơn vị hành chính phường Vĩnh Tuy cho phù hợp với quy mô dân số; tăng cường quản lý dịch vụ internet; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là Luật Thủ đô, tới từng hộ dân...
Thay mặt UBND quận Hai Bà Trưng, ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng đã tiếp thu các ý kiến góp ý của cử tri và trả lời 15/25 nội dung cử tri phản ánh thuộc thẩm quyền của quận. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng tham gia làm rõ thêm các vấn đề cử tri nêu.
Về việc xây dựng trụ sở cơ quan công an tại khu đất 887 Bạch Đằng vốn được thu hồi từ Cty vận tải Hồng Hà, thẩm quyền phê duyệt dự án này là của TP. Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu, quyền lợi về địa điểm vui chơi, công viên cây xanh cho dân cư xung quanh, UBND quận đã chỉ đạo địa phương lập dự án, xây dựng một khu vui chơi khác gần 887 Bạch Đằng, có diện tích 1.000m2.
Về chùa Trang, theo quyết định giao đất của TP, chùa Trang thuộc diện tích của Công ty 10-10 và khi công ty tiến hành cổ phần hóa, chùa Trang được tính là tài sản của Công ty. Quận Hai Bà Trưng và các sở ngành đã trình TP cho phép thu hồi đất và chùa Trang để tách khỏi khuôn viên công ty, đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Hiện quận đang triển khai đền bù, GPMB, lập phương án trình TP phê duyệt.
Về đề nghị đặt tên phố cho một đoạn đường thuộc đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng đã tiếp thu và thông qua phương án này, đã trình TP đầu năm nay, Tuy nhiên, phải chờ kỳ họp tới của HĐND TP diễn ra vào tháng 8 xem xét, thông qua.
Về việc chia tách đơn vị hành chính phường Vĩnh Tuy, UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, hiện tại đây là phường có diện tích lớn nhất trong quận Hai Bà Trưng với dân số 3,5 vạn người. Trên địa bàn phường đang triển khai rất nhiều dự án nhà ở nên nếu sau khi các dự án này hoàn thành, quy mô dân số của phường dự kiến sẽ vào khoảng 9 vạn dân, nên việc tách phường, đảm bảo cho tương lai là cần thiết.
Về tách trường PTCS Lê Ngọc Hân, mở rộng Trường mầm non Chim Non, quận đã lưu tâm nhưng tiến độ di chuyển của nhà máy chưa xong nên ảnh hưởng đến tiến độ. Quận đề nghị TP nên tạo điều kiện cho xây trường luôn mà không cần chờ di dời xong nhà máy, vì hiện nhà máy này không còn được sử dụng nữa.
Cùng tham dự cuộc tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã làm rõ thêm việc phát triển hệ thống trường công lập trên địa bàn TP. Hiện tỷ lệ trường công lập của Hà Nội đang dẫn đầu cả nước, hầu hết các phường đều có trường công lập. Tuy nhiên, với sự gia tăng dân số như hiện nay, tỷ lệ học sinh trên đầu lớp là rất cao, chưa đáp ứng được các tiêu chí của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, TP đã có quy hoạch để giải quyết, có hướng riêng với các quận nội thành và các huyện ngoại thành. Trước mắt, với quận nội thành, rà soát lại quỹ đất trên địa bàn, ưu tiên dùng những quỹ đất di chuyển địa điểm cơ quan, xí nghiệp để xây trường, nâng tầng các tòa nhà của các trường có đủ điều kiện. Với các huyện ngoại thành, do thực tế đang thừa trường nên phải rà soát lại, bố trí hợp lý với quy mô dân số và sử dụng hiệu quả.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trúng cử tại đơn vị số 2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã hoan nghênh các ý kiến của cử tri cùng các ý kiến tiếp thu, làm rõ của các vị lãnh đạo quận Hai Bà Trưng và TP Hà Nội.
Bí thư cho biết, nhiều vấn đề được cử tri nêu đã được giải quyết hoặc đang được giải quyết tích cực, như việc chấm dứt thiếu trường ở các quận nội thành; việc xử lý các hộ kinh doanh dịch vụ gây ồn ào, ô nhiễm môi trường; việc xử lý các công trình xây dựng không đúng quy hoạch, sai phép, trái phép tại dự án Công viên Tuổi trẻ; việc cải tạo chung cư Nguyễn Công Trứ, xây dựng vành đai 1...
Bí thư cũng nhất trí với các đánh giá và các ý kiến cử tri về xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là chênh lệch giàu-nghèo; việc chậm triển khai một số dự án trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đảm bảo giá cả sinh hoạt cho phù hợp với đồng lương của người lao động...
Đặc biệt, từ thực tiễn triển khai các dự án xây dựng, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị lưu ý các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý đất đai, nhất là những khu đất chưa có kế hoạch, không cho thuê, mượn để tránh phát sinh những phức tạp về sau. Đặc biệt, các cấp TP có quyết định giao quyền sử dụng đất nên cân nhắc kỹ khi giao để tránh lãng phí, tốn kém.